Tin KHCN trong nước
Đặc sản từ quả roi của ông Sáu Tia (15/06/2020)
-   +   A-   A+   In  
Đau xót vườn roi sai trĩu của bà con ở cù lao Tân Lộc (phường Thốt Nốt, TP Cần Thơ) rơi vào cảnh được mùa mất giá, ông Nguyễn Phú Tia (thường gọi là Sáu Tía) đã quyết tâm nghiên cứu ra phương pháp tạo ra đặc sản mới từ quả roi. Sản phẩm của ông đã vượt ra khỏi ranh giới tỉnh miền Tây này với những đặc điểm không đâu có.

Nói chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Phú Tia – tác giả của bằng độc quyền giải pháp hữu ích Phương pháp sản xuất rượu roi do Cục Sở hữu trí tuệ cấp – hồ hởi chia sẻ niềm vui khi sản phẩm của ông được thành phố Cần Thơ lựa chọn đưa vào danh sách OCOP – chương trình mỗi địa phương một sản phẩm quốc gia. Ở Cần Thơ, sản phẩm đã được đại diện Sở Y tế, Sở Khoa học & Công nghệ, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp,... chấm điểm 4 sao và đưa vào danh sách dự thi sản phẩm quốc gia.

 

Để có được sản phẩm đưa vào danh sách này, người nông dân Nguyễn Phú Tia đã phải trải qua một hành trình dài 14 năm nghiên cứu và hoàn thiện quy trình.

 

Ông Nguyễn Phú Tia và các giấy chứng nhận sản phẩm.
Ông Nguyễn Phú Tia và các giấy chứng nhận sản phẩm.

 

Cù lao Tân Lộc với diện tích hơn 3200 ha với 2/3 diện tích trồng roi An Phước. Thế nhưng nhiều năm nay người nông dân Việt luôn bị thương lái đẩy vào cảnh được mùa mất giá. Quả to đẹp còn bán được, chứ nhỏ, sứt sẹo coi như đổ đi, hay nếu không tiêu thụ được, hàng tấn roi có thể bị đổ xuống kênh mương.

“Tôi đau xót lắm khi nhìn bà con rơi vào cảnh ấy. Chẳng lẽ mình không có cách nào để nâng giá trị của trái roi sao”? - ông Nguyễn Phú Tia tự hỏi. Một lần ra thăm vườn, nhìn thấy roi dưới mương nổi bọt trắng xóa, ông liền nghĩ đến việc lên men trái roi. Lập tức, ông mang vài chục ký đi đập dập rồi đổ vào thùng ủ trong 3 ngày. Nhìn thùng roi cho vị cay nồng, ông Sáu Tia quyết tâm nghiên cứu sản xuất ra loại rượu với nguyên liệu trái cây của vùng đất quê mình.

Thời điểm ấy, thị trường cũng có không ít loại rượu đặc sản vùng miền như rượu dừa, rượu bưởi được sản xuất bằng cách trộn trái cây với rượu gạo và ủ theo quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của mình, ông Sáu Tia muốn tạo ra một loại rượu lên men hoàn toàn tự nhiên, không dùng rượu gạo để ủ

“Điểm đặc biệt trong rượu roi của tôi là có hương thơm tự nhiên của hoa roi, khi ngửi và uống sẽ cảm nhận được một cách rõ rệt. Rượu hoàn toàn tinh khiết, đã được loại bỏ andehit và metanol và có thể để được ít nhất 7 năm” – người nông dân 73 tuổi chia sẻ. Điều này khiến ông rất tự tin khi mang sản phẩm của mình đi giới thiệu ở bất cứ hội chợ hay diễn đàn nông sản nào.

Thực tế, những năm đầu, rượu của ông Sáu nấu ra không dễ uống vì có vị gắt. Loay hoay không biết làm cách nào, ông thậm chí còn mời cả kỹ sư ở TP HCM xuống Cần Thơ cùng nghiên cứu nhưng vẫn thất bại.

“Hồi đó, tôi được hướng dẫn xây dựng khạp chứa rồi chưng cất, nhưng để trong khạp nửa năm thấy rượu bay hơi một nửa, rượu thu về vẫn bị gắt. Thấy không được nên tôi tính cách khác” - ông Sáu Tia nhớ lại. Cuối cùng, ông phát hiện ra rằng, cách mồi men cho rượu cần phải thay đổi, nếu như trước kia ông để mận lên men tự nhiên thì nay, ông dùng mạch nha để mồi men với tỷ lệ thích hợp. Kết quả là rượu có vị ngon ngọt, “uống rất vào” – theo cách nói sảng khoái của người miền Tây.

Để sản xuất một mẻ rượu roi đạt chất lượng ông Nguyễn Phú Tia thường mất khoảng 10-15 ngày với 4 bước: tạo men cái; tạo bã rượu và tạo hương roi; chưng cất rượu và lọc than hoạt tính.

Trong đó, để tạo men cái, ông Sáu Tia trộn đều hỗn hợp roi chín xay nhuyễn, men rượu, đường cát và mạch nha rồi ủ trong 5 ngày ở nhiệt độ từ 22 độ C đến 35 độ C với độ ẩm 60%, độ pH 2,5-3,2. Sau đó, ông tạo bã rượu bằng cách trộn men cái, roi chín xay nhuyễn và nước lọc rồi ủ từ 3-5 ngày ở nhiệt độ 22 độ C đến 35 độ C với độ ẩm 70%, độ pH 2,0-2,5. Để tạo hương roi cho rượu, ông dùng hoa roi trộn với roi xay nhuyễn, nước lọc rồi chưng cất ở nhiệt độ từ 100 độ C đến 105 độ C.

Hỗn hợp trên được đem chưng cất ở nhiệt độ từ 100 độ C - 110 độ C để thu về rượu chưa thành phẩm. Trước khi đến tay người tiêu dùng, rượu được lọc qua than hoạt tính để loại bỏ tạp chất trước khi đóng chai.

 

Ông Nguyễn Phú Tia đóng nút chai bằng máy. Ảnh: Tiền Phong.
Ông Nguyễn Phú Tia đóng nút chai bằng máy. Ảnh: Tiền Phong.

 

“Rượu thu về uống phải đượm hương roi, có vị hơi ngọt của trái cây và vị hơi đắng của hạt roi. Tôi từng có ý định loại bỏ hạt roi để rượu ngọt hơn nhưng được PGS.TS. Nguyễn Minh Thủy, Phó trưởng Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, ĐH Cần Thơ khuyên không nên bỏ, do trong hạt roi có nhiều chất tốt cho thận” – ông Sáu Tia tiết lộ. Không chỉ vậy, nhờ được loại bỏ hết các tạp chất, lên men hoàn toàn tự nhiên nên rượu roi thương hiệu ông Tia uống vào êm dịu, không gắt, không gây đau đầu, kích thích tiêu hóa.

Hiện rượu roi Sáu Tia đã trở thành đặc sản thương hiệu của TP Cần Thơ, là hướng đi khác cho trái roi của bà con cù lao Tân Lộc. Rượu roi có mặt trong siêu thị Big C, CoopMart, cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, các khu du dịch ở Cần Thơ… Không chỉ vậy, một công ty du lịch đã đưa cơ sở sản xuất rượu Sáu Tia vào danh sách các địa điểm thăm quan du lịch của du khách khi đến Cần Thơ. Mỗi tuần có khoảng 50-100 du khách trong và ngoài nước ghé cơ sở sản xuất của ông.

“Ngày trước khi tôi nghiên cứu, người ta bảo tôi vừa khùng vừa điên khi bỏ ra hàng tỷ đồng để làm. Giờ đây, rượu roi đã trở thành niềm tự hào của người dân. Quan trọng hơn nữa, đây là một hướng tiêu thụ khác cho nông sản địa phương khi bị thương lái ép giá” - ông Nguyễn Phú Tia chia sẻ.

Cần Thơ hiện điều ông Sáu Tia trăn trở nhất là hoàn thiện quy trình sản xuất nước ép roi. Tuy nhiên, cái khó là nước ép không giữ được hương vị đặc trưng do phải trải qua quá trình hấp nhiệt. Ông Sáu trăn trở nói: “Nước ép tự nhiên mà mất mùi thì khác gì nước đường. Nếu có thể giữ được hương vị thì chắc chắn, bà con Tân Lộc nói riêng và miền Tây nói chung sẽ có thể làm giàu nhờ trái roi trên quê hương mình”.

Nguồn: khoahocphattrien.vn

Số lượt đọc: 2085

Về trang trước Về đầu trang