Đề tài với mục tiêu là xác định được một số chế phẩm chứa nano bạc thích hợp, có khả năng ứng dụng phòng trừ hiệu quả bệnh hại và làm tăng năng suất một số loại rau được trồng tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Mục tiêu cụ thể là: 03 quy trình kỹ thuật ứng dụng chế phẩm chứa nano bạc phòng trừ hiệu quả bệnh hại cây dưa leo, ớt cay và bí đao chanh làm tăng năng suất rau lớn hơn hoặc bằng 5%, sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; 03 mô hình sản xuất rau ứng dụng chế phẩm chứa nano bạc tương ứng với 3 loại rau ứng dụng chế phẩm chứa nano bạc tương ứng với 3 loại rau nghiên cứu; 200 cuốn tài liệu và 150 người được tham quan mô hình và giới thiệu quy trình.
Sau hơn 02 năm thực hiện, đề tài đã cung cấp những cơ sở khoa học và thực tiễn để khuyến cáo người sản xuất rau tại địa phương sử dụng hiệu quả nano bạc trong sản xuất rau quả an toàn và thân thiện với môi trường. Cụ thể, nhóm thực hiện đề tài đã thí nghiệm theo quy trình: Ngâm hạt giống (dưa leo, bí đao và ớt) trong dung dịch nước sạch đã pha với mifum 0,6 SL có nồng độ nano bạc 2,0 ppm để xử lý hạt giống trước khi gieo. Sau khi hạt giống trồng được 10 ngày thì phun mifum 0,6 SL với nồng độ bạc 60ppm tần suất 7 ngày/lần cho đến khi cây được 55 ngày.
Kết quả với phương pháp này, cây sau trồng có khả năng phòng trừ các loại bệnh hại trong suốt vụ và không để lại tồn dư kim loại bạc trong quả. Cụ thể, sau khi thử nghiệm xong quy trình trồng, nhóm thực hiện dự án đã cho trồng thử nghiệm tại xã Sông Xoài, Châu Pha (TX. Phú Mỹ), xã Phước Long Thọ (huyện Đất Đỏ), với 3 loại cây: dưa leo, bí đao, ớt trên tổng diện tích 6.000m2. Kết quả, sâu bệnh hại trên các loại cây giảm hẳn; năng suất tăng 7-11% so với phương pháp thông thường.
Hội đồng đánh giá đạt yêu cầu, tuy nhiên cần bổ sung hoàn thiện đề tài theo góp ý của Hội đồng.