Tin KHCN trong nước
Chương trình hành động của Bộ KH&CN 2020: Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (18/02/2020)
-   +   A-   A+   In  

Vấn đề nâng cao năng suất chất lượng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tiếp tục được Bộ KH&CN đưa vào Chương trình hành động năm 2020.

 

 

 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh. 

 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh mới đây đã ký ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 (Nghị quyết 01) và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 (Nghị quyết 02).

 

Theo đó, thực hiện Nghị quyết 02, Bộ KH&CN tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp trọng yếu, trong đó, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Cụ thể:

 

Nâng cao năng suất, chất lượng gắn với đổi mới sáng tạo

 

Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thành lập các trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, định hướng phát triển, mở rộng mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

 

Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để bảo đảm lấy doanh nghiệp làm trung tâm của phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ, đổi mới công nghệ; kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu công nghệ, nhất là công nghệ đã qua sử dụng, khuyến khích nhập khẩu công nghệ cao.

 

Hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, kết nối các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, ưu tiên kết nối với các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có điều kiện thuận lợi thâm nhập thị trường.

 

Thực thi có hiệu quả chính sách đào tạo, thu hút và trọng dụng cán bộ KH&CN từ các nguồn sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học uy tín ở nước ngoài.

 

Phát triển thị trường KH&CN, phát triển thị trường các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng thành tựu KH&CN tiên tiến, kinh tế chia sẻ, kinh tế số… theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

 

Tái cơ cấu các Chương trình KH&CN Quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Chú trọng nghiên cứu cơ bản, tăng cường hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH&NV phục vụ thiết thực quản lý và phát triển kinh tế – xã hội.

 

Nâng cao tiềm lực KH&CN, tập trung triển khai các hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, nhất là các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng Chiến lược trí tuệ nhân tạo của quốc gia; xây dựng danh mục công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tạo điều kiện thuận lợi, có cơ chế chính sách đột phá để thu hút các dự án công nghệ cao. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ, toàn diện Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”.

 

Đẩy mạnh xây dựng CSDL Quốc gia về KH&CN phục vụ công khai, minh bạch thông tin về hoạt động KH&CN; tăng cường công tác thống kê KH&CN và đổi mới sáng tạo phục vụ thiết thực công tác quản lý và hoạch định chính sách; phát triển nguồn tin KH&CN.

 

Bảo hộ sở hữu trí tuệ, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp.

 

Tiếp tục xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với khu vực và quốc tế; phối hợp với Tổ chức năng suất châu Á xây dựng Kế hoạch tổng thể quốc gia về năng suất hướng đến phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo; thành lập Trung tâm xuất sắc về đổi mới sáng tạo thúc đẩy năng suất

 

Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

 

Tăng cường xã hội hóa đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế, thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh để kích cầu công nghệ và nhu cầu đổi mới sáng tạo từ khu vực doanh nghiệp, phát huy Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp để hỗ trợ đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.

 

Tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn, có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao; các ngành chế biến, chế tạo; các ngành công nghiệp hỗ trợ. Thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, hiệu quả cao với quy mô phù hợp theo từng ngành hàng, sản phẩm và thị trường.

 

Khơi dậy sức sáng tạo mạnh mẽ trong toàn xã hội, khuyến khích mọi hình thức sáng tạo, tôn vinh khoa học, tôn vinh sáng tạo. Quyết liệt đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở tăng cường ứng dụng KH&CN.

 

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020

 

Tuyên truyền, cung cấp thông tin về hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; kết quả đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo, hệ thống đổi mới sáng tạo theo các bộ chỉ số của quốc tế.

 

Thực hiện nhiệm vụ đầu mối theo dõi bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và nhóm chỉ số Công nghệ và Đổi mới sáng tạo theo đánh giá Mức độ sẵn sàng cho sản xuất tương lai của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung cải thiện các chỉ số thành phần để cải thiện chỉ số Đổi mới sáng tạo theo xếp hạng của WIPO và WEF.

 

Tiếp tục thực hiện kế hoạch rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi. Cập nhật và công bố, công khai các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa trong năm 2018, 2019; công khai bảng so sánh các điều kiện kinh doanh trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hóa; hoàn thành trong tháng 01/2020. Với các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa từ năm 2020 trở đi, thực hiện nghiêm việc công bố công khai theo quy định về kiểm soát thủ tục hành chính.

 

Đến hết năm 2020, thực hiện đầy đủ các cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành. Trong quý I năm 2020 công bố công khai, đầy đủ trên Trang thông tin điện tử của Bộ về danh mục mã HS tương ứng kèm theo bảng so sánh danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành trước và sau khi cắt giảm.

 

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020.

 

Thực thi đầy đủ trách nhiệm được phân công về kiểm tra chuyên ngành theo quy định tại Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

 

Tăng cường thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ ở cấp độ 4; đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Rà soát, đề xuất dịch vụ công tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, gửi Văn phòng Chính phủ tổng hợp trong năm 2020.

 

 

Nguồn: tcvn.gov.vn

Số lượt đọc: 3713

Về trang trước Về đầu trang