Diễn đàn APLMF lần thứ 26 khai mạc sáng 7/11 tại Quảng Ninh, với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cùng 100 đại biểu là đại diện Lãnh đạo các tổ chức đo lường pháp định từ 20 quốc gia thành viên trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong đó có một số nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, các Tổ chức quốc tế về Đo lường Pháp định (OIML), Chương trình Đo lường Châu Á - Thái Bình Dương (APMP), Viện Vật lý kỹ thuật Đức (PTB), Hợp tác Công nhận Châu Á – Thái Bình Dương (APAC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)...
Hàng năm, APLMF luân phiên tổ chức hội nghị tại các quốc gia thành viên để thảo luận về kết quả hoạt động của các nhóm công tác, tình hình triển khai và lên kế hoạch hoạt động của APLMF cũng như kết nối và mở rộng các hoạt động hợp tác giữa các tổ chức đo lường thành viên. Sự kiện là dịp để thúc đẩy phát triển đo lường pháp định trong khu vực hỗ trợ việc phát triển kinh tế các nước thành viên.
Các đại biểu tham dự tại diễn đàn. |
Các quốc gia sẽ đưa ra những quy định chung để đảm bảo tính thống nhất và độ chính xác cần thiết của các phép đo với chi phí ít nhất; đảm bảo độ chính xác của phương tiện đo để công bằng giữa người mua và người bán trong định lượng hàng hoá, dịch vụ mua bán và thanh toán. Vị trí, vai trò và ý nghĩa của đo lường pháp định càng thể hiện rõ nét ở một số ngành nghề mũi nhọn như ngành điện lực, dầu khí, xăng dầu... Ví dụ về đo lường dầu thô xuất khẩu, nếu dụng cụ đo có sai số 1% thì hàng năm có thể gây ra sự thất thoát của khoảng 110.000 tấn dầu (với sản lượng khai thác dầu tính năm 2018) tương đương với tổn thất khoảng 42 triệu USD.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc. Ảnh: XT |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá cao sáng kiến của diễn đàn. Ông cho biết, nền tảng pháp lý cao nhất của Việt Nam trong đo lường hiện nay là Luật Đo lường được Quốc hội thông qua năm 2011, có hiệu lực tháng 7/2012. Các văn bản quy định cụ thể dưới luật cũng như các văn bản kỹ thuật đo lường sau đó được ban hành là kết quả của nhiều năm hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực về đo lường trong đó có APLMF.
"APLMF thông qua sự hỗ trợ của PTB qua chương trình MEDEA cũng như các nhóm công tác chuyên môn giúp đào tạo nhân lực và cập nhật kiến thức với những văn bản quốc tế mới nhất, giúp Việt Nam xây dựng hệ thống các quy định về đo lường phù hợp với điều kiện ở trong nước và thông lệ quốc tế", Thứ trưởng Tùng nói và cho rằng việc hợp tác và thừa nhận lẫn nhau giữa các tổ chức đo lường pháp định của các thành viên sẽ tạo sân chơi chung của hệ thống đo lường toàn cầu, giúp doanh nghiệp thuận lợi, giảm thiểu hàng rào thương mại không cần thiết và mở rộng thị trường.