Tin KHCN trong nước
Dùng chế phẩm vi sinh xử lý hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp (23/08/2019)
-   +   A-   A+   In  

Ứng dụng chế phẩm vi sinh để xử lý phụ phẩm nông nghiệp, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, an toàn trong lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ tốt môi trường… là hướng đi từ ban đầu của Công ty phát triển nông nghiệp Phương Nam. Đây cũng là doanh nghiệp (DN) nông nghiệp công nghệ cao (CNC) đầu tiên được Trung tâm ươm tạo DN CNC - Khu nông nghiệp CNC TP.HCM cấp chứng nhận ươm tạo vào năm 2013.

Sản phẩm này được tạo ra từ nguồn giống vi sinh, được phân lập và bảo quản giống gốc trong môi trường bảo quản tối ưu để giữ được hoạt tính sinh học bền vững. Vi sinh nhân nuôi theo công nghệ phân tách bào tử, nên khả năng hoạt động tốt và có thể bảo quản được thời gian dài.

Sản phẩm gồm nhiều chủng vi sinh được tích hợp, có thể hoạt động cả trong điều kiện hảo khí và yếm khí.

Nhờ được phối trộn phụ gia phù hợp nên chế phẩm vi sinh SUMITRI có thể bảo quản được trong điều kiện bình thường trong thời gian dài, đến 24 tháng trong điều kiện bình thường chưa mở bao bì. Vi sinh vật được kích hoạt ngay sau khi được phóng thích ra ngoài môi trường, nhờ đó các chất hữu cơ sẽ nhanh chóng được phân hủy. Với khả năng hoạt động nhanh và mạnh của vi sinh vật, chế phẩm có nhiều tác dụng:
- Phân hủy rơm rạ thành phân bón ngay tại ruộng: thời gian phân hủy rơm rạ từ 7 - 10 ngày, giúp tiết kiệm được phân bón cho vụ tiếp theo, lượng phân bón giảm từ 20 - 30%.

- Giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật từ 3 - 4 lần/vụ, tăng hiệu quả kinh tế mỗi ha từ 4 - 6 triệu/ha.
- Vi sinh vật có thể hoạt động ngay trong điều kiện nước nhiễm mặn, nên có thể phân hủy rơm, gốc rạ thành nguồn thức ăn cho tôm sau khi thu hoạch lúa trong canh tác lúa tôm; hạn chế ô nhiễm môi trường và tăng năng suất, hiệu quả kinh tế; đồng thời là điều kiện để tăng vụ tôm trong canh tác lúa tôm.
- Ủ phân hữu cơ từ các nguồn phế phụ phẩm trồng trọt: vỏ cà phê, thân cây ngô, khoai… thời gian ủ rất nhanh.
- Có thể hạn chế được cỏ dại, hạt lúa ma, hạt lúa lẫn. 

Tại buổi báo cáo “Phân tích xu hướng công nghệ” do Trung tâm thông tin và thống kê KH&CN (CESTI - Sở KH&CN TP.HCM) tổ chức, báo cáo về “Xu hướng ứng dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý phụ phẩm nông nghiệp”, ThS. Phạm Xuân Hưng - giám đốc Công ty Phương Nam, cho biết: kết quả ghi nhận thực tế từ việc sử dụng chế phẩm SUMITRI tại một số nông hộ tại 2 huyện Phước Long và Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, cho thấy việc sử dụng chế phẩm phân vi sinh trực tiếp trên ruộng tôm - lúa đẩy nhanh tốc độ phân hủy gốc rạ, rơm so với thông thường từ 21 - 25 ngày và triệt để hơn.

Nó cũng có tác dụng khử chua, ổn định pH, độ kiềm và hạn chế các chất độc sinh ra trong quá trình phân hủy tự nhiên từ rơm rạ, giúp cho môi trường nước trong nuôi tôm sạch hơn so với thông thường.
Nó cũng góp phần làm nâng cao dinh dưỡng cho đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong tầng canh tác. Tạo nguồn thức ăn, động vật đa dạng và làm giàu thức ăn tự nhiên cho tôm, làm cho đất tơi xốp, tăng lượng mùn trong ruộng nuôi tôm, trọng lượng tôm nặng hơn ruộng đối chứng 3 g/con.

Giảm chi phí đầu vào trong quá trình nuôi tôm từ 1 - 2 triệu đồng/ha/vụ và góp phần tăng lợi nhuận từ 4 - 6 triệu đồng/ha/vụ, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Theo đánh giá của Cục trồng trọt, lượng chất thải từ lúa chiếm tới 50% chất khô; nghĩa là cứ sản xuất ra 1 tấn thóc thì lượng phụ phẩm từ lúa cũng tương đương là 1 tấn, khoảng từ 10 - 12 tấn phụ phẩm/ha. Tương tự, sản xuất 1 tấn ngô thì lượng phụ phẩm là 1,2 tấn thân ngô; sản xuất 1 ha đậu phộng phát thải 11 tấn thân cây; 1 ha khoai mì phát thải 7 tấn ngọn và lá tươi…

Điều đó cho thấy, khả năng phát sinh phụ phẩm từ trồng trọt là rất lớn, có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường do quá trình phân hủy, sử dụng sai mục đích hoặc đốt đồng tràn lan khi vệ sinh đồng ruộng. Thực tế cho thấy, nguồn hữu cơ từ chất thải trồng trọt có thể tận dụng tái sử dụng, xử lý trở thành nguồn hữu cơ có giá trị, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường cho nông dân nông thôn.

 

Nguồn: http://www.vista.gov.vn

Số lượt đọc: 2766

Về trang trước Về đầu trang