Thống kê KHCN
Biến đổi khí hậu có thể khiến thủy ngân độc hại tích tụ trong hải sản (19/08/2019)
-   +   A-   A+   In  

Các nhà khoa học cảnh báo rằng biến đổi khí hậu có thể khiến mức thủy ngân độc hại trong các loại hải sản như cá tuyết và cá ngừ tăng lên. Khoảng 4/5 lượng thủy ngân thải ra không khí từ tự nhiên và các hoạt động của con người như đốt than, cuối cùng sẽ đổ ra các đại dương.

Sau đó, nó được chuyển đổi bởi các sinh vật nhỏ bé và trở thành một dạng hữu cơ đặc biệt nguy hiểm có tên gọi methylmercury. Khi những sinh vật nhỏ trở thành thức ăn của các sinh vật lớn hơn, thủy ngân sẽ càng tập trung nhiều hơn và đi theo chuỗi thức ăn. Khi nước biển ấm lên, những loài cá như cá tuyết phải sử dụng nhiều năng lượng hơn để bơi, từ đó tốn nhiều calo hơn - vì vậy chúng ăn nhiều hơn và tích trữ nhiều chất độc hơn.

Methylmercury có thể ảnh hưởng đến chức năng não của người. Trẻ em đặc biệt có nguy cơ nhiễm độc cao từ việc tiếp xúc với thủy ngân có trong cá khi não bộ và hệ thần kinh của chúng đang phát triển trong bụng mẹ.

Mặc dù quy định hạn chế phát thải thủy ngân đang giúp làm giảm nồng độ chất độc trong cá nhưng việc nhiệt độ đại dương tăng do biến đổi khí hậu có thể sẽ làm nồng độ tăng trở lại. Các nhà nghiên cứu ở Trường Kỹ thuật và Khoa học ứng dụng Harvard John A Paulson và Trường Y tế Công cộng Harvard T H Chan đã mô hình hóa những thay đổi trong phát thải thủy ngân. Mô hình của họ dự đoán rằng việc nước biển tăng lên 1 độ so với năm 2000 có thể dẫn đến sự gia tăng 32% nồng độ Methylmercury trong cá tuyết và 70% ở cá chó gai.

Các nhà nghiên cứu cho biết, ngay cả khi Methylmercury trong nước biển giảm 20% nhờ việc giảm phát thải thì khi nước biển tăng thêm 1 độ vẫn sẽ làm tăng 10% ở cá tuyết và 20% ở cá chó gai. Họ cũng phân tích các tác động của việc đại dương nóng lên kể từ năm 1969 lên sự tích tụ thủy ngân ở cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương và thấy rằng ước tính nó có thể làm tăng 56% nồng độ thủy ngân ở loài này.

Những thay đổi trong chế độ ăn của cá tuyết và cá chó gai do con người đánh bắt quá mức nguồn thức ăn của chúng (cá trích) cũng có thể ảnh hưởng đến lượng Methylmercury chúng tiêu thụ và tích trữ trong cơ thể.

Việc đánh bắt cá quá mức đã làm thay đổi nguồn thức ăn của những động vật ăn thịt đứng đầu chuỗi thức ăn, ví dụ đã làm giảm lượng lớn cá trích mà cá tuyết tiêu thụ. Các nhà nghiên cứu đã và đang xem xét những ảnh hưởng của vấn đề này. Nghiên cứu của họ, dựa trên dữ liệu về cá và nước biển trong 30 năm, đã được công bố trên Tạp chí Nature.

Các nhà khoa học cho hay, nồng độ chất độc trong cá tuyết tăng lên tới 23% từ năm 1970 đến năm 2000 do sự thay đổi trong chế độ ăn khởi đầu từ việc đánh bắt quá mức và sau đó là việc phục hồi quần thể cá trích.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 1,000 trẻ em từ các vùng sinh sống nhờ đánh bắt cá ở Brazil, Canada, Columbia, Trung Quốc và Greenland sẽ có 17 em bị mắc các chứng bệnh thần kinh do ăn hải sản nhiễm thủy ngân.

Elsie Sunderland, nhà nghiên cứu cấp cao của nghiên cứu này, cho biết: Chúng tôi đã chỉ ra rằng những lợi ích của việc giảm phát thải thủy ngân vẫn tồn tại dù cho điều gì xảy ra trong hệ sinh thái đi chăng nữa. Nhưng nếu chúng ta muốn tiếp tục giảm việc tiếp xúc Methylmercury trong tương lai, chúng ta cần một cách tiếp cận hai hướng. Thay đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm việc tiếp xúc với Methylmercury của con người thông qua hải sản. Vì vậy, để bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người, chúng ta cần điều tiết cả khí thải thủy ngân và khí thải nhà kính.

GS Sean Strain - Đại học Ulster, người không tham gia vào nghiên cứu này, nhận định những đề xuất được nêu trong nghiên cứu bước đầu có vẻ chính xác. Ông nói: Các mô hình và tính toán đều rất vững chắc, dựa trên cơ sở khoa học chất lượng, là minh chứng chứng minh cho nhận định của nhóm nghiên cứu về việc đánh bắt cá quá mức và nóng lên toàn cầu sẽ làm tăng lượng Methylmercury trong cá tuyết và nhiều loài cá khác.

Tuy nhiên, ông cũng nói rằng nhận định thủy ngân trong cá tuyết Đại Tây Dương tăng 23% có thể gây hại cho sức khỏe con người vẫn cần bàn luận thêm nữa.

TS Emeir McSorley - Đại học Ulster cho biết: Những bà mẹ ở Seychelles tiếp xúc với nồng độ Methylmercury gấp 10 đến 100 lần các bà mẹ ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không tìm thấy bất cứ mối quan hệ bất lợi nào của Methylmercury với sự phát triển thần kinh của con họ. Thực tế, những đứa trẻ được sinh ra từ những bà mẹ tiếp xúc với lượng Methylmercury lớn nhất tham gia xét nghiệm còn phát triển tốt hơn những em được sinh ra từ những bà mẹ tiếp xúc với lượng thấp hơn. Chúng tôi đưa ra phát hiện này để chỉ ra rằng lợi ích của việc ăn cá khi mang thai vẫn lớn hơn những rủi ro.

 

Nguồn: khoahocvacongnghevietnam.com.vn

Số lượt đọc: 1133

Về trang trước Về đầu trang