Quy chế này quy định về nguyên tắc, phương thức, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa Ban Quản lý các Khu công nghiệp với các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện có khu công nghiệp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về giải quyết thủ tục chủ trương đầu tư các dự án tại các Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Ban Quản lý các Khu công nghiệp chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giải quyết thủ tục chủ trương đầu tư các dự án tại Khu công nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ được giao và phân cấp, ủy quyền; các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ Ban Quản lý trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước tại Khu công nghiệp theo chức, nhiệm vụ được giao.
Quy chế phối hợp nêu rõ, tùy theo tính chất, nội dung công việc cần phối hợp với các cơ quan khác, cơ quan chủ trì quyết định áp dụng một trong các phương thức phối hợp như: tổ chức lấy ý kiến cơ quan phối hợp bằng văn bản hoặc gửi hồ sơ đề nghị cơ quan phối hợp tham gia ý kiến; tổ chức họp, trong trường hợp cần thiết thì lập biên bản, để làm cơ sở xác định trách nhiệm các bên phải tiến hành theo thẩm quyền; tổ chức đoàn công tác liên ngành thực hiện khảo sát, điều tra, xử lý loại công việc có tính đặc thù...
Ngoài ra, Quy chế phối hợp cũng quy định một số dự án mới và mở rộng cần lấy ký kiến các Sở, ban ngành liên quan và UBND cấp huyện như: các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng, dự án liên quan đến an ninh quốc phòng, các dự án có sử dụng diện tích đất lớn (Lớn hơn 20 ha đối với dự án trong các đô thị và trên 50 ha đối với các dự án bên ngoài đô thị), dự án sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật, sản xuất phân bón, chế biến bột cá, dự án sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ giấy vụn, dự án có công đoạn xi mạ, nhuộm, thuộc da, sản xuất sơn, phụ gia, chất tẩy rửa công nghiệp, các dự án có nguy cơ ô nhiễm thượng nguồn và các hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, dự án không có trong quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng vả ngành nghề trong báo cáo đánh giá tác động môi trường cấp thẩm quyên phê duyệt....; những dự án cấp mới và mở rộng không phải lấy ý kiến các Sở, ban, ngành như: dự án phù hợp quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng ngành nghề phù hợp trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp có trách nhiệm chủ trì, làm đầu mối tiếp nhận, thụ lý, giải quyết đăng ký đầu tư của Nhà đầu tư; có văn bản (kèm hồ sơ dự án theo quy định pháp luật đầu tư) gửi các Sở, ban ngành liên quan và UBND cấp huyện để lấy ý kiến trước khi tổng hợp ý kiến thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc tổng hợp, lập báo cáo trình cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư vào KCN thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và các dự án cần lấy ý kiến nêu trên;
Các sở, ban ngành và UBND cấp huyện có văn bản tham gia ý kiến về các nội dung dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình và gửi về Ban Quản lý các KCN trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được công văn và hồ sơ đầu tư kèm theo của Ban Quản lý các Khu công nghiệp. Ngoài ra, trong trường hợp dự án phải thẩm định về công nghệ theo quy định thì yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ có văn bản trả lời trước 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được công văn và hồ sơ đầu tư kèm theo của Ban Quản lý các Khu công nghiệp.