Tin KHCN trong nước
Nhiều sản phẩm, thiết bị và công nghệ mới tại Triển lãm quốc tế ngành chế biến và đóng gói bao bì (05/03/2019)
-   +   A-   A+   In  

Hơn 500 đơn vị đến từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ mang đến Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp chế biến và đóng gói bao bì (Propak Vietnam 2019) lần thứ 14 diễn ra từ ngày 19 - 21/3/2019, tại TP. Hồ Chí Minh nhiều sản phẩm, thiết bị và công nghệ mới trong hai lĩnh vực này.

Ông BT Tee - Tổng Giám đốc Công ty UBM Viet Nam, đơn vị Tổ chức triển lãm, cho biết, các nước và vùng lãnh thổ Đức, Italy, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan,… sẽ mang đến Propak Vietnam 2019 nhiều sản phẩm trong lĩnh vực đồ uống, thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm,… Đồng thời, những công nghệ mới, thiết bị mới trong chế biến thuộc các lĩnh vực nói trên cùng các công nghệ, thiết bị đóng gói, sản xuất bao bì sẽ được trưng bày, trình diễn như công nghệ an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm soát chất lượng và quản lý rủi ro; môi trường và xử lý chất thải; đóng gói vô trùng; đóng gói bao bì co dãn; chế biến sản phẩm bơ sữa, hải sản, sản xuất nước giải khát; in ấn, đóng nhãn;…
“Propak Vietnam 2019 được mở rộng hơn về quy mô trưng bày, nhấn mạnh các hoạt động của ngành in ấn, gia tăng số lượng công nghệ, cùng với các hội thảo chuyên ngành được tổ chức là nơi để các doanh nghiệp Việt Nam có thể đến tìm kiếm công nghệ, hợp tác đầu tư” - ông BT Tee chia sẻ.

GS.TSKH. Lưu Duẩn - Hội Khoa học và Công nghệ Thực phẩm Việt Nam (VAFoST) - cho biết, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm trong nước tăng trưởng ổn định trung bình 7%/năm, lượng tiêu thụ thực phẩm chế biến tăng trưởng bình quân 10%/năm. 
“Tuy nhiên, có một thực trạng không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới hiện nay là vấn đề lãng phí và thất thoát lương thực, thực phẩm còn quá lớn. Số lượng này chiếm 1/3 số thực phẩm được sản xuất ra. Dự báo năm 2019, sẽ có khoảng 2,1 tỷ tấn thực phẩm, trị giá khoảng 1,5 ngàn tỷ USD bị thất thoát, lãng phí” - GS. Duẩn nhấn mạnh.

Để hạn chế tình trạng này, theo GS. Duẩn, cần nâng cao nhận thức cho người sử dụng, đồng thời nguyên liệu nông sản thô được thu hoạch phải được tận dụng tối đa và chế biến hiệu quả. Muốn vậy, các nhà sản xuất cần đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc, thiết bị mới, sử dụng năng lượng mặt trời, cải tiến quy trình, kỹ thuật.

KS. Hoàng Quang Huy - Hiệp hội nghiên cứu và phát triển phục vụ đổi mới sáng tạo - cho rằng, ngành bao bì Việt Nam đang có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển bởi lượng tiêu thụ bao bì ngày càng gia tăng (khoảng 45 kg/người/năm). Tuy nhiên, yêu cầu ngày càng cao của xã hội là bao bì phải nhẹ, mỏng, thân thiện với môi trường, mẫu mã đẹp mắt,… 
“Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư đổi mới công nghệ hơn nữa để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài hiện đang chiếm thị phần lớn về bao bì trong nước” - ông Huy nhấn mạnh.

Tại buổi giới thiệu Propak Vietnam 2019, Công ty UBM Vietnam, VAFoST và Trường Đại học công nghệ Sài Gòn cũng ký biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện các chương trình giáo dục, hội thảo, triển lãm, chất lượng cao trong ngành công nghệ chế biến, đóng gói bao bì. Trong đó, VAFoST phối hợp với Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn sẽ khởi xướng giảng dạy về Luật và quy định về thực phẩm, an toàn thực phẩm, thực phẩm và môi trường,… Đồng thời, thực hiện các dự án giáo dục thực phẩm cho học sinh, sinh viên và những người nội trợ.

Nguồn: vista.gov.vn

Số lượt đọc: 4687

Về trang trước Về đầu trang