Tin KHCN trong nước
Sản xuất thành công thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm (06/10/2014)
-   +   A-   A+   In  

Sản xuất 90 tấn thức ăn theo quy trình công nghệ xây dựng cho tôm hùm giai đoạn giống và thương phẩm; tiết kiệm 24% chi phí thức ăn so với cá tạp;... là những kết quả của Dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm bông và tôm hùm xanh” (mã số KC.06.DA05/11-15) do PGS. Lại Văn Hùng, Viện Nuôi trồng thủy sản, Trường Đại học Nha Trang làm chủ nhiệm.

Dự án được thực hiện từ tháng 01/2012 đến tháng 06/2014, thuộc Chương trình “Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm xuất khẩu chủ lực” (mã số KC.06/11-15).

 

Hướng tới phát triển bền vững

Tôm hùm bông và tôm hùm xanh là những đối tượng có tốc độ sinh trưởng nhanh, giá trị kinh tế cao. Đây là những loài đang được nghiên cứu và nuôi nhiều ở các nước trên thế giới như: New Zealand, Nhật Bản, Việt Nam, Úc, Philipin, Ấn Độ, Singapo, Đài Loan. Ở Việt Nam, nghề nuôi tôm hùm bắt đầu từ năm 1992, đến nay nghề nuôi tôm hùm lồng đang phát triển nhanh. Năm 1999 có gần 7.300 lồng, năm 2000 đã tăng lên 17.216 lồng, năm 2006 tăng lên 49.000 lồng, sản lượng đạt 1.900 tấn và đạt giá trị kinh tế hơn 45 triệu USD. Đến  2007 đã tăng lên 52.696 lồng với giá trị tôm thương phẩm là 80 triệu USD. Tuy nhiên, do bệnh “tôm hùm sữa” nên nghề này trong năm 2007 đã bị suy giảm đáng kể, sản lượng chỉ còn đạt khoảng 1.400 tấn. Chỉ tính riêng ở Cam Ranh (Khánh Hoà), số tôm hùm chết lên tới 600.000 - 800.000 con, thiệt hại ước tính 300 - 350 tỷ đồng.

 

Trong nghề nuôi tôm hùm ở Việt Nam, cá tạp, cua, sò nhỏ là nguồn thức ăn chính và kỹ thuật nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người dân. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn thức ăn này có những bất lợi như: gây ô nhiễm môi trường; cạnh tranh nguồn cá tạp với các mục đích sử dụng khác như thực phẩm cho con người, thức ăn cho gia súc, gia cầm; người nuôi không chủ động nguồn thức ăn nhất là mùa mưa bão. Bên cạnh đó là hiện tượng bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm như: tôm sữa, đen mang, vi khuẩn mà nguyên nhân ban đầu có thể là do chất lượng thức ăn kém. Những bệnh này đã gây ra thiệt hại lớn cho người nuôi tôm hùm trong nhiều năm.

 

Để khắc phục tình trạng trên, nhiều cơ sở đã hướng đến nghiên cứu sản xuất thức ăn tổng hợp dạng viên để nuôi tôm hùm bằng lồng. Tuy nhiên, những thông tin về nhu cầu dinh dưỡng và những nghiên cứu về thức ăn tổng hợp dạng viên cho tôm hùm hiện nay còn hạn chế. Các nghiên cứu trước đây mới chỉ ở phạm vi thí nghiệm và chủ yếu được tiến hành trên tôm hùm giai đoạn giống.

 

Từ thực tiễn trên, được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), PGS. Lại Văn Hùng cùng cộng sự đã triển khai Dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm bông và tôm hùm xanh”. Dự án hướng đến mục tiêu sản xuất được thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm bông và tôm hùm xanh nhằm phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại Việt Nam. Cụ thể, đưa ra qui trình công nghệ hoàn thiện để sản xuất thức ăn nuôi tôm hùm bông và tôm hùm xanh ở qui mô công nghiệp công suất 500 kg/ngày, PGS. Lại Văn Hùng cho biết.

 

Hiệu quả kinh tế cao

Tại buổi nghiệm thu đề tài do Hội đồng nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Nhà nước tổ chức mới đây, PGS. Lại Văn Hùng cho biết, nhóm tác giả đã nghiên cứu hoàn thiện công thức thức ăn cho tôm hùm giai đoạn giống và thương phẩm; nghiên cứu lựa chọn các nguồn nguyên liệu có thể sử dụng để sản xuất thức ăn cho tôm hùm; tiến hành lựa chọn, phân tích thành phần sinh hóa của một số nguyên liệu có thể sử dụng làm thức ăn cho tôm hùm như bột cá, cá tạp, bột tôm, bột gan sò;…

 

Sau một thời gian triển khai, dự án đã xây dựng được công thức thức ăn cho tôm hùm bông và tôm hùm xanh giai đoạn giống và nuôi thương phẩm. Tôm hùm sinh trưởng, phát triển tốt khi sử dụng thức ăn của dự án; hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm hùm bông và tôm hùm xanh với các thông số: thời gian trộn các thành phần nguyên liệu: 5 - 7 phút, nhiệt độ sấy 90oC, bề dày lớp vật liệu sấy 30 cm, vận tốc sấy 4 cm/s. Thời gian sấy tùy thuộc vào kích cỡ hạt thức ăn, 2,5 giờ với loại thức ăn có đường kính 2,0-5,0 mm và 3,5 giờ với thức ăn có đường kính 7,0 - 10,0 mm.

 

Đặc biệt, dự án đã xây dựng thành công dây chuyền sản xuất thức ăn công suất đạt 100kg/h. Dây chuyền bố trí hợp lý, vận hành tốt, tiết kiệm năng lượng, chi phí sản xuất thấp. Có 90 tấn thức ăn đã được sản xuất theo quy trình công nghệ nói trên. Đồng thời xây dựng dự thảo tiêu chuẩn về thức ăn tổng hợp dạng viên cho tôm hùm bông và tôm hùm xanh gồm: thành phần hóa học, cơ, lý và các tiêu chuẩn về thời gian sử dụng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Quá trình triển khai cho thấy, khẩu phần ăn thích hợp cho tôm hùm bông giai đoạn giống và thương phẩm là 10% và 5% khối lượng thân. Nuôi tôm hùm bằng thức ăn viên có hiệu quả kinh tế hơn so với sử dụng thức ăn cá tạp. Với mỗi kg tôm hùm bông thương phẩm nuôi bằng thức ăn công nghiệp sẽ tiết kiệm được 24% chi phí thức ăn so với cá tạp, chi phí nhân công cũng giảm 50%. Các chỉ tiêu môi trường đều nằm trong phạm vi cho phép và thích hợp với tăng trưởng, phát triển của tôm hùm bông và tôm hùm xanh.

 

Dự án thử nghiệm triển khai các mô hình nuôi thương phẩm tôm hùm bông và tôm hùm xanh bằng thức ăn của dự án tại Vịnh Vân Phong và Vịnh Cam Ranh. Đây là 2 vùng nuôi có điều kiện tự nhiên đáp ứng tốt nhất các yêu cầu trong nuôi thương phẩm tôm hùm. Tiến hành đánh giá các chỉ tiêu về sinh trưởng, tỷ lệ sống, hệ số thức ăn của tôm hùm bông và tôm hùm xanh sau khi kết thúc thí nghiệm. Thời gian nuôi thử nghiệm 16 tuần và cho kết quả tốt.

 

Theo tính toán, so với sử dụng cá tạp, việc sử dụng thức ăn công nghiệp giảm được phần lớn chi phí thức ăn và nhân công. Các kết quả nghiên cứu của dự án sẽ cung cấp những thông tin mới về thức ăn công nghiệp cho tôm hùm bông,tôm hùm xanh cả giai đoạn giống và nuôi thương phẩm. Đồng thời, giúp người nuôi chủ động nguồn thức ăn, hạn chế rủi ro và mở ra triển vọng sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm, bảo vệ môi trường, phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững tại Việt Nam.

Nguồn: vista

Số lượt đọc: 15202

Về trang trước Về đầu trang