Tin KHCN trong nước
Hội thảo chia sẻ kết quả đánh giá mức độ sẵn sàng Dữ liệu mở và Chính phủ số (22/01/2019)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 17/1/2019, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ (VPCP), Ngân hàng thế giới (WB) và tổ chức Sáng kiến Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả đánh giá mức độ sẵn sàng Dữ liệu mở và Chính phủ số. Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ 14 Bộ, cơ quan ngang Bộ, các địa phương khu vực phía Bắc; Đại sứ quán Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và một số tổ chức quốc tế...

Năm 2018, VPCP, WB và tổ chức Sáng kiến Việt Nam đã tiến hành đánh giá về mức độ sẵn sàng cho Chính phủ số và Dữ liệu mở tại Việt Nam (Đánh giá ODDG). Báo cáo gồm 2 chủ đề: Đánh giá mức độ sẵn sàng cho Chính phủ số và Đánh giá mức độ sẵn sàng cho Dữ liệu mở. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ hỗ trợ kỹ thuật của WB cho Chính phủ Việt Nam để thúc đẩy tiến trình Chính phủ điện tử tại Việt Nam một cách hiệu quả và thiết thực. Chính vì vậy, hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ các kết quả Đánh giá ODDG và thảo luận khuyến nghị cụ thể cho Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, để tạo được bước tiến lớn về xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), tại nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết tâm chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh cải cách hành chính gắn kết chặt chẽ với ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT. Việc đánh giá mức độ sẵn sàng cho Chính phủ số thông qua 7 lĩnh vực chính: Lãnh đạo và quản trị; Lấy người dùng làm trung tâm; Thay đổi quy trình công việc; Năng lực, tập quán, văn hóa và kỹ năng; Cơ sở hạ tầng dùng chung; Sử dụng dữ liệu để ra quyết định chính sách; An ninh mạng, quyền riêng tư và khả năng phục hồi.

Việc đánh giá mức độ sẵn sàng về dữ liệu mở tập trung vào 8 lĩnh vực: Cam kết của lãnh đạo cấp cao-tập trung xem xét tầm nhìn, sự hiểu biết dữ liệu mở ở lãnh đạo cấp cao; Khung chính sách pháp lý cho dữ liệu mở; Cấu trúc về thể chế, trách nhiệm năng lực trong Chính phủ để xem xét cách thức phối hợp hoạt động của các cơ quan trong Chính phủ và năng lực của các cơ quan khác nhau; Chính sách quản lý dữ liệu của Chính phủ, thủ tục và dữ liệu sẵn có; Nhu cầu dữ liệu mở đánh giá nhận thức và các sáng kiến liên quan đến dữ liệu tại khu vực ngoài nhà nước; Sự tham gia của cộng đồng và năng lực dữ liệu mở đánh giá tương tác giữa Chính phủ và xã hội...; Nguồn lực tài chính để xem xét liệu ngân sách có sẵn sàng để triển khai dữ liệu mở hay không; Cơ sở hạ tầng kỹ thuật để đánh giá tình trạng cơ sở hạ tầng CNTT trong nước.

Kết quả khảo sát của WB cho thấy một số phát hiện chính như: Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ trong triển khai Chính phủ số và Dữ liệu mở. Việt Nam hiện cũng có nền tảng vững chắc để phát triển Sáng kiến Dữ liệu mở. Chính phủ cũng áp dụng những tiến bộ kỹ thuật có tính nền tảng để phát triển Chính phủ số. Đánh giá mức độ sẵn sàng về Chính phủ số trên 7 lĩnh vực cho thấy Việt Nam có cam kết chính sách mạnh mẽ, đã áp dụng những tiến bộ kỹ thuật có tính nền tảng để phát triển Chính phủ số. Về kết quả đánh giá mức độ sẵn sàng về Dữ liệu mở trên 8 lĩnh vực khẳng định Việt Nam đã có nền tảng vững chắc để phát triển sáng kiến Dữ liệu mở nhờ có tầm nhìn rõ ràng của lãnh đạo cấp cao, dữ liệu sẵn có của các bộ, ban, ngành và sự đầu tư của Chính phủ cho các cơ sở dữ liệu quốc gia và hệ thống CNTT. Đánh giá ODDG cho thấy Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện một loạt các giải pháp khác nhau để khắc phục những điểm yếu hiện tại.

Nêu ý kiến tại hội thảo, ông Achim Fock, Giám đốc điều phối hoạt động dự án tại Việt Nam của WB cho biết sau hội thảo, WB sẽ hoàn thiện báo cáo, đưa ra những khuyến nghị cụ thể với Việt Nam. Ông Achim Fock mong muốn WB được góp phần giúp Chính phủ Việt Nam về xây dựng Chính phủ số và Dữ liệu mở trong thời gian tiếp theo.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 2422

Về trang trước Về đầu trang