Tin KHCN trong tỉnh
Trồng rau không dùng đất (18/01/2019)
-   +   A-   A+   In  
Lo ngại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng ưa dùng thực phẩm sạch, nhất là các loại rau, củ. Nhằm phục vụ nhu cầu thị trường, nhiều DN đã đầu tư trồng rau sạch, an toàn. Đây là hướng đi đầy triển vọng.

Sau hơn nửa năm chuẩn bị, tháng 9-2018, Công ty Vương Huy (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) đã chính thức vận hành mô hình sản xuất rau củ quả sạch công nghệ cao trên diện tích 1ha, với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ đồng. Đây là mô hình đầu tiên trên địa bàn trồng rau theo công nghệ cao bằng phương pháp thủy canh. Hiện nay, cơ sở đang cung cấp các sản phẩm rau củ quả sạch cho 10 trường mầm non và bếp ăn tập thể của các DN trên địa bàn huyện Châu Đức.

 

Nhân viên kỹ thuật của Công ty Vương Huy thường xuyên kiểm tra nguồn nước hồi lưu của vườn rau thủy canh.

 

Ông Đặng Vinh, Giám đốc Công ty Vương Huy cho biết, đặc điểm nổi bật của phương pháp trồng rau thủy canh là có thể trồng nhiều vụ trong năm và trồng trái vụ. Trồng rau thủy canh không phải sử dụng thuốc trừ sâu và chất hóa học gây hại cho môi trường nên sản phẩm hoàn toàn sạch, đồng nhất, giàu dinh dưỡng và tươi ngon. Hiện nay, bằng cách xuống giống xen kẽ, ngày nào vườn rau thủy canh của ông Vinh cũng cung cấp cho thị trường khoảng 200kg rau, củ, quả. Giá bán rau tuy cao hơn so với các loại rau khác nhưng là rau sạch, an toàn nên được người tiêu dùng ưa chuộng. “Trước đây, khi trồng rau thổ canh, cơ sở cần 20 lao động/ngày thì nay giảm xuống chỉ còn 10 lao động/ngày. Tuy mới có sản phẩm ra thị trường, nhưng thu nhập của Công ty khá ổn định. Hàng tháng, sau khi trừ các khoản chi phí, Công ty thu lãi khoảng 30 triệu đồng”, ông Đặng Vinh tiết lộ và cho biết thêm, giai đoạn 2 dự án trồng rau thủy canh của Công ty sẽ hoàn thành vào năm 2020. Khi đó, diện tích sản xuất được mở rộng thêm 1ha, đồng thời đầu tư nhiều hạng mục công trình nhằm đáp ứng nhu cầu rau sạch ngày càng cao của người tiêu dùng.

 

Là khách hàng thường xuyên của vườn rau thủy canh, chị Nguyễn Thị Ngọc Thảo (thôn Hưng Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) cho biết, mỗi khi đi chợ mua rau, chị luôn lo lắng vì rau còn chất kích thích và thuốc bảo vệ thực vật. “Nhưng rau thủy canh thì khác, vừa sạch sẽ lại để được lâu do không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên tôi rất yên tâm. Từ ngày trên địa bàn có bán rau thủy canh, tôi thường mua về sử dụng để bảo vệ sức khỏe cho gia đình”.

 

Tương tự, từ tháng 7-2017 Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Sao Mai (xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) đã đầu tư 2 khu nhà màng rộng khoảng 3.500m2, 1 nhà lưới rộng 12.200m2 để trồng rau sạch theo 2 phương pháp thủy canh hồi lưu không cần đất và điền canh hữu cơ. Trên từng khu vực đều có bảng theo dõi quá trình sinh trưởng, thu hoạch của cây. Theo ông Lưu Sơn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Sao Mai, chi phí đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới và kỹ thuật trồng rau theo phương pháp thủy canh hồi lưu khá tốn kém nhưng về lâu dài thì hiệu quả lớn hơn. “Giá bán rau tuy cao hơn thị trường nhưng người tiêu dùng vẫn yên tâm sử dụng. Chẳng hạn, cải bó xôi ở đây bán ra 40.000 đồng/kg, cao gấp đôi rau cải chợ nhưng luôn hết hàng”, ông Sơn nói. Hiện nay mỗi tháng Công ty cung cấp cho thị trường khoảng 3,5 tấn rau củ sạch các loại. Sản phẩm được phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại Cửa hàng Sao Mai Farm (287 Trương Công Định, TP. Vũng Tàu) và nhiều cửa hàng khác trong và ngoài tỉnh.

 

Vài năm gần đây, việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh BR-VT đang chuyển hướng dần sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều mô hình trồng rau theo hướng VietGAP được ngành nông nghiệp khuyến khích nhân rộng tại các vùng trồng rau trọng điểm trên địa bàn các huyện Đất Đỏ, Long Điền, Châu Đức, Xuyên Mộc và TX. Phú Mỹ.

 

Theo ông Hồ Thúc Tiên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phương pháp trồng rau thủy canh hồi lưu tiết kiệm được nguồn nước, diện tích đất, dễ thu hoạch. Đặc biệt, do rau trồng trong nhà kính nên không bị các loại côn trùng gây hại. “Trồng rau thủy canh có vốn đầu tư ban đầu khá lớn nhưng người dân, DN cũng không lo chuyện tiêu thụ vì tin tưởng rau sạch sẽ có đầu ra tốt”, ông Tiên nói.

 

Cán bộ Hội Nông dân huyện Đất Đỏ tham quan nông trại rau thủy canh của Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Sao Mai.

 

Với những ưu điểm kể trên, mô hình trồng rau thủy canh đang được nhiều nông dân, DN áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một hướng đi mới cho việc phát triển nền nông nghiệp sạch và bền vững trên địa bàn tỉnh BR-VT.

Nguồn: baobariavungtau.gov.vn

Số lượt đọc: 4834

Về trang trước Về đầu trang