PHẦN I. ĐỊNH HƯỚNG VỀ QUẢN LÝ AN TOÀN THỰC PHẨM THỦY SẢN
An toàn thực phẩm là vấn đề ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến sức khỏe con người được xã hội rất quan tâm. Trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm. Từ khi có Luật an toàn thực phẩm năm 2010, các bộ, ngành đã thực hiện quản lý an toàn theo chuỗi đối với từng ngành hàng, phù hợp thông lệ quốc tế và khắc phục tình trạng cắt lát, chồng chéo.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là nhiều địa phương chưa quan tâm và thiếu tập trung trong quản lý an toàn thực phẩm, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn, nhất là thông tư chưa kịp thời. Chưa có cơ chế tài chính phù hợp giải quyết kinh phí, lực lượng kiểm tra còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, chưa chú ý xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức. Việc tuyên truyền mới tập trung phản ánh vi phạm mà chưa chú trọng biểu dương, khuyến khích những tập thể, cá nhân, doanh nghiệp làm tốt an toàn thực phẩm. Chưa phát huy được vai trò các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, công luận và người dân tham gia giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là tại cơ sở.
Nhằm đề cao trách nhiệm, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm theo đúng quy định từ Điều 61 đến Điều 70 Luật An toàn thực phẩm và quy định của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về thực hiện trách nhiệm được giao.
TS Đào Trọng Hiếu