Hợp tác quốc tế
Tọa đàm “Kinh nghiệm hợp tác về KH&CN với Ba Lan” và “Đề xuất hợp tác về KH&CN: Việt Nam – Ba Lan” (28/09/2018)
-   +   A-   A+   In  
Ngày 25/9/2018 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế (VISTIP) đã tổ chức hai tọa đàm “Kinh nghiệm hợp tác về KH&CN với Ba Lan” và “Đề xuất hợp tác về KH&CN: Việt Nam – Ba Lan”. Tọa đàm là cơ hội để các đại biểu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác KH&CN với Ba Lan và các giải pháp xây dựng mối quan hệ hợp tác về KH&CN giữa hai nước Việt Nam và Ba Lan, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận và trao đổi thông tin về hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và Ba Lan.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của chuyên gia, đại biểu đến từ các Bộ, ngành, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam,….
 


 

Các đại biểu tham gia tọa đàm


Tại tọa đàm, PGS. TS. Vũ Đình Lãm, Phó Giám đốc Học viện KH&CN, nêu lên những thuận lợi, khó khăn cũng như thách thức khi hợp tác với Ba Lan. Việt Nam và Ba Lan có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống. Đặc biệt, có một số ngành khoa học kỹ thuật có nhiều cán bộ đã từng học tập và nghiên cứu tại  Ba Lan; một số cán bộ nghiên cứu của Việt Nam hiện đang là giáo sư ở các trường Đại học, Viện nghiên cứu tại Ba Lan. Đây là những điều kiện rất thuận lợi cho việc tiến hành các hoạt động hợp tác với Ba Lan về KH&CN. Về khó khăn, với xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay, có rất nhiều lựa chọn hợp tác với các quốc gia trên thế giới. Việt Nam và Ba Lan chưa có nhiều chương trình hợp tác với Ba Lan về KH&CN trên cấp độ Nhà nước, vĩ mô. Các hoạt động hợp tác vẫn chỉ diễn ra theo kiểu nhỏ lẻ, tự tìm kiếm; việc tiếp cận các nguồn kinh phí vẫn còn nhiều khó khăn.
 


 

PGS. TS. Vũ Đình Lãm Học viện KH&CN trình bày tại tọa đàm


Theo ý kiến của ThS. Trần Đình Hưng, Viện Nghiên cứu Châu Âu, Ba Lan được xem là một nền kinh tế đang nổi lên với sự tăng trưởng vững chắc trong dài hạn với 26% tổng giá trị gia tăng được tạo ra bởi ngành công nghiệp (trung bình của EU là 19%). Công nghiệp Ba Lan gồm 3 ngành rộng: sản xuất, khai thác mỏ và năng lượng (dầu khí), Ba Lan có ưu thế là chi phí nhân công thấp, nhưng lực lượng lao động có trình độ học vấn cao với 43% trong độ tuổi từ 25-34 có trình độ đại học (trung bình EU là 38%). Có thể nói Ba Lan là điểm đến lý tưởng cho các trung tâm sản xuất, hậu cần, trung tâm dịch vụ chung.

 
Theo ý kiến của ThS. Bùi Việt Hưng, Viện Nghiên cứu Châu Âu, Việt Nam nên đẩy mạnh hợp tác về KH&CN với Ba Lan trong các lĩnh vực như: hợp tác trong nghiên cứu về quá trình chuyển dịch cơ cấu trang trại, hợp tác về phát triển nguồn nhân lực nông thôn, hợp tác trong nghiên cứu phát triển năng lượng tái tạo trong nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong nông nghiệp.


Cũng trong hai buổi Tọa đàm, các chuyên gia, đại biểu đã tìm hiểu về thế mạnh KH&CN, kinh nghiệm hợp tác về KH&CN với Ba Lan, các cơ hội hợp tác trực tiếp với Ba Lan trong các lĩnh vực mà Ba Lan có thế mạnh trên thế giới như: nông nghiệp, công nghệ chế biến thực phẩm, công nghệ môi trường, công nghệ vật liệu, công nghệ mỏ và khai khoáng…


Các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi cùng trao đổi thảo luận và nhận định đây là một chủ đề cần thiết và tọa đàm đã đáp ứng được phần nào nhu cầu thông tin, trao đổi của các nhà quản lý, các nhà khoa học và đặc biệt là các nhà doanh nghiệp đến tham dự. Kết thúc hội thảo, bà Bùi Thị Huy Hợp, Phó Giám đốc VISTIP, hy vọng trong thời gian tới VISTIP cùng các đại biểu sẽ có thêm nhiều cơ hội để trao đổi thông tin, hợp tác, hỗ trợ trong hoạt động hợp tác với Ba Lan nói riêng, cũng như thúc đẩy hội nhập quốc tế về KH&CN nói chung.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 3618

Về trang trước Về đầu trang