Để giải quyết vấn đề đó, một công ty Thụy Điển đã phát minh ra một loại bao bì mới có thể phân hủy được, thậm chí còn có thể nấu chín thực phẩm.
Hai nhà thiết kế người Thụy Điển là Hannah Billqvist và Anna Glansén của công ty Tomorrow Machine đã khởi động một dự án vào năm 2012, với cái tên "This Too Shall Pass" (Chuyện đó rồi sẽ qua đi) nhằm nghiên cứu ra một loại bao bì thực phẩm phân hủy được, cùng với khả năng tự nấu chín thực phẩm.
Thức ăn sẽ được nấu trực tiếp bên trong bao bì và nó sẽ tự mở khi đồ ăn đã đạt đến một nhiệt độ nhất định. Bao bì này có thể dễ dàng đem đi phân hủy sau khi sử dụng. Có tên là Sustainable Expanding Bowl, chiếc bát này được tạo thành từ các sợi cellulose và có chứa thức ăn đông lạnh bên trong. Chỉ cần thêm nước sôi vào là đồ ăn bên trong sẽ được nấu chín và khiến cho bao bì tự mở ra thành hình một chiếc bát.
Tomorrow Machine cũng đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển một loại bao bì mới khác, được làm từ nguyên vật liệu tự nhiên có thể dễ dàng phân hủy hoặc hòa tan vào nước.
Chiếc hộp đựng nước uống trong ảnh dưới được làm từ một hỗn hợp của agar (một chất keo được tạo ra bằng cách đun sôi một polysaccharide trong tảo đỏ) và nước. Khi đồ uống bên trong đã được hút hết, chiếc hộp sẽ bắt đầu co rút lại. Nó gần như biến mất hoàn toàn sau chỉ một tháng.
Ngoài ra còn có một loại bao bì dành cho đồ khô như gạo hoặc mì được tạo thành từ sáp ong đã qua xử lý. Lớp sáp này mỏng như tờ giấy và có thể bóc ra giống như vỏ cam vậy.
Bên cạnh đó, Tomorrow Machine còn phát triển một hộp đựng chất lỏng (nước chấm chẳng hạn) thân thiện với môi trường. Chiếc hộp làm bằng đường caramel này được phủ một lớp sáp ong và có thể được mở bằng cách đập vỡ như trứng gà vậy. Chỉ mất vài phút để lớp đường hòa tan vào nước, nghĩa là việc xử lý rác từ nay sẽ rất dễ dàng.
Tuy nhiên, rất nhiều người có thể sẽ không thích việc phải gạn mảnh vỡ của hộp ra khỏi bát nước chấm của mình để tránh làm ảnh hưởng đến hương vị. Dù sao thì ở thời điểm này, các loại bao bì vẫn chỉ là nguyên mẫu và hoàn toàn có thể thay đổi để sớm đưa ra thị trường.