Tin KHCN trong nước
Ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản (28/05/2018)
-   +   A-   A+   In  
Mặc dù nông nghiệp là "trụ đỡ" cho sự phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều năm qua nhưng tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của vùng đã chậm lại. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long cũng dịch chuyển với tốc độ khá chậm, chủ yếu vẫn dựa vào trồng trọt. Vậy giải pháp công nghệ nào để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp của Vùng trước bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư?

Diễn đàn công nghệ thông minh phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy sản diễn ra chiều 25/5 tại thành phố Cần Thơ do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ phối hợp với Hiệp hội thông tin công nghiệp châu Á, Trường đại học Cửu Long và Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ tổ chức đã đưa đến một cái nhìn tổng quát về thực trạng, xu hướng, các mặt thuận lợi và khó khăn trong việc ứng dụng các công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Đây cũng là dịp chia sẻ kinh nghiệm từ doanh nghiệp và các tổ chức đến từ Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghệ này.

 

Hai phiên thảo luận đã diễn ra đồng thời tại Diễn đàn: Phiên 1 với chủ đề công nghệ thông minh phục vụ trồng trọt và chăn nuôi và Phiên 2 với chủ đề công nghệ thông minh phục vụ nuôi trồng thủy sản.

 

Buộc phải ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc tại Phiên thảo luận.


Phát biểu tại Phiên thảo luận, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã nêu lên những thuận lợi trong phát triển nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vùng có khí hậu cận xích đạo vùng nên thuận lợi phát triển ngành nông nghiệp đặc biệt là phát triển trồng cây ăn trái, trồng lúa nước và cây lương thực. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng và 36,5% lượng trái cây cả nước. Vùng cung cấp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam và chiếm 20% thị phần gạo thương mại toàn cầu, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD năm 2016; kim ngạch xuất khẩu cá tra khoảng 1,7 tỷ USD năm 2016; sản lượng tôm chiếm 80% sản lượng và đóng góp 60% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước, đạt 3,15 tỷ USD năm 2016. 

 

Mặc dù nông nghiệp là "trụ đỡ" cho sự phát triển kinh tế của vùng trong nhiều năm qua nhưng tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của vùng đã chậm lại, từ mức 7,15%/năm giai đoạn 2001-2010, xuống còn khoảng 5% vào giai đoạn 2011-2016. 

 

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2017, hiện nay, nông nghiệp Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đang hướng tới những hạn chế của một mô hình tăng trưởng bắt nguồn từ việc tăng cường các hệ thống sản xuất, bao gồm việc sử dụng lao động, hóa chất và tài nguyên thiên nhiên nhiều hơn hiệu quả và tăng thêm giá trị. Tăng trưởng nông nghiệp đang giảm dần và khả năng cạnh tranh của Việt Nam với vai trò là nhà cung cấp hàng hoá rời rạc, không có sự khác biệt đang là những dấu hiệu cảnh báo khiến ngành nông nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh về lao động, đất đai và các nguồn lực khác.
 

Phiên thảo luận về công nghệ thông minh phục vụ trồng trọt và chăn nuôi.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh, cùng với các diễn biến bất lợi do biến đổi khí hậu và tình trạng ô nhiễm môi trường gây ra, ngành nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước thách thức lớn, bắt buộc Vùng phải thay đổi tư duy, cách nghĩ và cách làm, theo đó sản xuất nông nghiệp phải dựa trên việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

Phát triển nông nghiệp thời 4.0

 

Thuật ngữ “nông nghiệp 4.0” chỉ mới được đề cập đến tại Việt Nam trong vòng vài năm trở lại đây nhưng cũng như các ngành kinh tế khác, bản chất của nó chính là nông nghiệp thông minh hay nông nghiệp số thì đã không còn xa lạ với chúng ta. Đặc trưng cơ bản của nông nghiệp 4.0 là số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nông trại đến chế biến, marketing và tiêu dùng thông qua hệ thống kết nối internet vạn vật, kết hợp các hệ thống điều hành và tác nghiệp tập trung, tự động hóa và thông minh giữa công nghệ vật lý, công nghệ sinh học và công nghệ điều hành đảm bảo cho quá trình sản xuất - doanh diễn ra liên tục, hiệu quả và bền vững.
 

Phiên thảo luận về công nghệ thông minh phục vụ nuôi trồng thủy sản. 
 

Ưu điểm của nông nghiệp 4.0 là tạo ra các nông sản chất lương, năng suất cao ngay cả trong những điều kiện bất thuận; điều kiện làm việc của người lao động tốt hơn, thông qua kết nối di động, ngồi ở nhà mà nông dân vẫn có thể biết được diễn biến lô thửa cây trồng trên đồng ruộng và từng ô chuồng, từng con gia súc để ra các quyết định đúng, hiệu quả. 

 

Vì những lợi ích trên mà nông nghiệp 4.0 đã và đang được phát triển ở nhiều nước, vùng lãnh thổ như Israel, Mỹ, Hà Lan, Đức, Isarel, Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc. Ở Isarel, Mỹ, nông nghiệp sa mạc được phát triển với những khu nông nghiệp khép kín, giá trị mỗi héc ta lên tới 120.000 - 150.000 USD/năm.

 

Tại Việt Nam, phát triển nông nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng. Việt Nam không thể đứng ngoài làn sóng này. Do vậy, tại Diễn đàn các diễn giả đã giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào thực tiễn sản xuất của một số doanh nghiệp nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản trong và ngoài nước.

 

Cụ thể là, xu hướng và thực tiễn ứng dụng nông nghiệp 4.0 trong trồng trọt; triển vọng của mô hình chăn nuôi 4.0 tại Việt Nam; công nghệ tiên tiến phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững; ứng dụng internet vạn vật trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản; công nghệ cải thiện môi trường nước nuôi trồng thủy sản…

 

Đây là những thông tin bổ ích, góp phần thay đổi tư duy, tập quán canh tác truyền thống, đưa công nghệ cao ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 

TS. Lê Quý Kha, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho rằng, nông nghiệp Việt Nam dù muốn hay không chúng ta không nên quá kỳ vọng vào việc toàn ngành nông nghiệp phải đạt đến trình độ 4.0, mà chỉ cần có chính sách phù hợp để sự kết nối cung cầu về nông nghiệp 4.0 được gặp nhau dễ dàng, đơn giản, thông qua kiểm tra giám sát.

 

“Tại Việt Nam, các ngành có tiềm năng tiếp cận nông nghiệp 4.0 như: chăn nuôi bò sữa, lợn, gà, nuôi tôm, cá da trơn; sản xuất hoa và quả; sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu; sản xuất lúa gạo. Đối với chăn nuôi bò sữa, lợn, gà, nuôi tôm và cá da trơn đòi hỏi quy mô, diện tích không lớn, đang có những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi từ sản xuất đến xuất khẩu nên dễ dàng ứng dụng công nghệ cao của nông nghiệp 4.0 như tự động hóa, sử dụng rô bốt. Trong thủy sản có thể ứng dụng hệ thống canh tác kết hợp thủy sản và rau, hoa”, TS. Lê Quý Kha cho hay.

 

Trước những bất cập trong việc xử lý nước nuôi trồng thủy sản như tốn nhiều chi phí, ô nhiễm môi trường,.. ông Lê Đình Cẩn, Trung tâm phát triển công nghệ và thiết bị công nghiệp Sàn Gòn (CENINTEC) đã đưa ra ba giải pháp lọc cơ học CENFILTER đối với nước đầu vào, nước trong ao nuôi, nước thải đầu ra. Phương pháp này giúp tiết kiệm diện tích, giảm chi phí sản xuất, loại bỏ chất thải rắn hiệu quả nước trong ao nuôi và nước thải đầu ra, giúp môi trường sạch hơn, ít ô nhiễm hơn.
 

Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long giới thiệu các giống lúa thích nghi với điều kiện canh tác lúa vùng nhiễm mặn.
 

Nói về ứng dụng công nghệ thông minh trong nông nghiệp, đại diện Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao VIFARM đã giới thiệu về hệ thống điều khiển giám sát môi trường nuôi trồng bao gồm các thiết bị cảm biến đo độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, nồng độ dinh dưỡng… giúp quản lý toàn bộ hoạt động ở trang trại thông qua máy tính, điện thoại và các thiết bị di động…

 

Tại hai Phiên thảo luận của Diễn đàn các đại biểu tham dự đã làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề chúng ta còn băn khoăn về công nghệ thông minh, tự động hóa trong nông nghiệp. Những chia sẻ thảo luận tại diễn đàn sẽ có thêm căn cứ để tăng cường hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và mạnh dạn lựa chọn đầu tư ứng dụng, đổi mới công nghệ vào sản xuất đối với doanh nghiệp vào phát triển kinh tế tại Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Với những nội dung cụ thể tại Diễn đàn về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, áp dụng công nghệ thông minh trong lĩnh vực này đã giúp cho việc trao đổi, kết nối, cung cấp thông tin từ các nhà sản xuất, các doanh nghiệp với các nhà nghiên cứu và những nơi có nguồn cung công nghệ để giúp cho nông nghiệp và thủy sản thông minh hơn và đạt hiệu quả cao hơn, phát triển bền vững, đảm bảo đóng góp của KH&CN cho phát triển kinh tế xã hội tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 4290

Về trang trước Về đầu trang