Tại buổi báo cáo, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa cung cấp cho bà con nông dân về các kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây quýt đường có tính bền vững như: chọn giống, cách chuẩn bị đất trồng, cách đào hố trồng cây, trồng cây chắn gió, khoảng cách trồng phù hợp…Bên cạnh đó, những kỹ thuật chăm sóc như bón phân, tưới nước, tỉa cành tạo tán, phòng trừ sâu bệnh hại, các loại thuốc phòng trừ từng loại sâu bệnh…cũng được TS. Nguyễn Đăng Nghĩa giới thiệu với bà con nông dân.
Theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, cây quýt đường có điều kiện thích nghi khá cao trong khu vực phía Nam. Sau cây tiêu, cây quýt được xem là cây thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng ở huyện Xuyên Mộc, giúp nông dân thu lợi nhuận khá cao. Bà con nông dân đã chặt bỏ nhiều diện tích trồng quýt đường do dịch bệnh tuy nhiên cách làm này của người dân là không nên. Nếu không nắm được quy trình, đảm bảo từ khâu chọn trồng, phòng trừ sâu bệnh cho cây thì "điệp khúc chặt trồng" còn kéo dài. Bà con nông dân cần chủ động từ khâu chọn giống, trồng cây, bón phân, chăm sóc phòng trừ dịch bệnh…thì cây quýt đường sẽ trở thành thế mạnh của huyện Xuyên Mộc.