Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Tài chính khởi nghiệp sáng tạo: Nguồn lực và vai trò của chính phủ (08/05/2018)
-   +   A-   A+   In  

Mặc dù thị trường đầu tư mạo hiểm của Việt Nam ngày càng sôi động trong vài năm trở lại đây nhưng nhà nước vẫn chưa có một chính sách tận dụng được làn sóng này và đa dạng hóa nguồn vốn để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiếp cận.

Ở Việt Nam, những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (gọi tắt là startup) đang gia tăng nhanh chóng. Từ khoảng 400 doanh nghiệp năm 2012, đến nay nước ta đã có khoảng 3000 doanh nghiệp (theo ước tính của tạp chí Echelon, Singapo) trong các lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt là trong các ngành Truyền thông, Thương mại điện tử, Công nghệ cao và Thực phẩm.

 
Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, vòng đời phát triển sẽ trải qua các giai đoạn từ tiền ươm mầm (pre-seed), ươm mầm (seed), giai đoạn đầu, các giai đoạn phát triển tiếp theo và cuối cùng là trải qua mua bán/sáp nhập hoặc chào bán cổ phiếu công chúng (IPO). Trong tất cả các giai đoạn, nguồn vốn và nhân lực đều hết sức quan trọng. Ở các giai đoạn khác nhau, với khả năng tài chính, tiềm năng phát triển cũng như thực lực khác nhau, một startup sẽ cần lượng vốn và loại hình vốn khác nhau. Các nguồn tài chính startup có thể tiếp cận gồm có các khoản tài trợ (phần lớn đến từ chính phủ), vốn vay, vay bảo lãnh, vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư thiên thần, từ doanh thu và một số hình thức tài chính mới hiện nay như cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng hay ICO,...

 
Ở Việt Nam, với định hướng đưa nước ta trở thành một “quốc gia khởi nghiệp”, nhà nước đã và đang hình thành và phát triển môi trường thuận lợi cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, ví dụ như: đã đưa định nghĩa về startup, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, tổ chức các ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia,... Tuy nhiên, chính sách để phát triển các công cụ hỗ trợ về mặt tài chính cho khởi nghiệp sáng tạo vẫn còn tương đối sơ khai ở Việt Nam.

 
Đối với nguồn tài trợ của chính phủ (grant), một số quốc gia như Phần Lan có thể tài trợ các startup lên tới 50.000 Euro cho việc nghiên cứu thị trường của doanh nghiệp, hay tại Singapo, nguồn tài trợ có thể lên tới vài trăm nghìn tới hàng triệu USD cho một dự án khởi nghiệp sáng tạo ở giai đoạn ý tưởng. Tại nước ta, do nguồn vốn chính phủ còn hạn hẹp và có quy định sử dụng vốn rất chặt chẽ, chưa có các cơ chế để tài trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo như vậy mà chủ yếu chỉ tài trợ cho giai đoạn nghiên cứu và phát triển, chẳng hạn như NAFOSTED và NATIF

 
Vốn vay, chủ yếu từ các ngân hàng thương mại (loans) là nguồn tài chính lớn và được coi là “rẻ nhất” với doanh nghiệp (do không phải đổi lấy phần sở hữu doanh nghiệp). Để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngân hàng nhà nước tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ ổn định, duy trì lãi suất liên ngân hàng thấp.

 
Từ ngày 10/07/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm lãi suất 0,25% một năm. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn cho doanh nghiệp công nghệ nhỏ và vừa chỉ từ 6,5 - 7%. Lãi suất cho vay trung và dài hạn của các tổ chức tín dụng khoảng 8%. Cùng với chính sách của chính phủ thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, một số ngân hàng tư nhân đã có các sản phẩm tín dụng ưu đãi ngắn hạn, cho vay ưu đãi doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiết lập các chương trình tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ.

 
Theo đó, tín dụng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tăng 9,41%, chiếm 21,02% tổng dư nợ; tín dụng cho doanh nghiệp công nghệ cao tăng 22,34%, chiếm 0,55% tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, phần lớn các startup ở giai đoạn đầu, đặc biệt là các startup ứng dụng công nghệ mới tại Việt Nam đều rất khó huy động vốn từ ngân hàng vì thiếu lịch sử đánh giá tín dụng, thiếu mô hình kinh doanh, quản lý và nguồn thu ổn định. Ngân hàng cũng gặp khó khăn trong vấn đề định giá loại hình doanh nghiệp này.

 

Các con số về thị trường đầu tư mạo hiểm của Việt Nam: Trong đó có 92 thương vụ được đầu tư năm 2017 với tổng số tiền đầu tư là 291 triệu USD. Nguồn: Topica

 
Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, hay còn gọi là đầu tư khởi nghiệp sáng tạo (venture capital - VC) là một nguồn tài chính đặc trưng vô cùng quan trọng cho các startup. Phần lớn các VC sẽ đầu tư vào giai đoạn khi các startup đã ra khỏi “thung lũng chết” của các doanh nghiệp.

 
Ở thời điểm đó, nguồn vốn của VC sẽ giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh, mở rộng sản xuất, bán hàng, nâng cao giá trị công ty. Để hỗ trợ hoạt động của các VC một cách hiệu quả, nhà nước cần các cơ chế quản lý, khuyến khích đầu tư đặc thù, linh hoạt. Singapo đã có những nới lỏng trong việc thành lập, quản lý những quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Ở Việt Nam hiện nay có hơn 40 quỹ đầu tư dạng này hoạt động, nhưng phần lớn là các quỹ nước ngoài, với văn phòng đại diện tại Việt Nam.

 
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 cũng đã có những quy định bước đầu cho việc đầu tư, đăng ký thành lập, hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Để thúc đẩy việc thành lập, hoạt động của cả khu vực kinh tế đầu tư khởi nghiệp sáng tạo này, một số kinh nghiệm quốc tế có thể được áp dụng như ban hành những quy định đặc thù để thành lập các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, một số ưu đãi đối ứng vốn nhà nước cho các quỹ có đầu tư cho startup ở giai đoạn ươm mầm, ban hành các chính sách thuế đặc thù cho hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo,...

 
Đầu tư thiên thần (Angel investment) cũng là một nguồn tài chính cá nhân đầu tư trực tiếp cho doanh nghiệp, thường chỉ thấy ở đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Các nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam phần lớn là các doanh nhân thành đạt trong và ngoài nước.

 
Hiện nước ta đã có một số câu lạc bộ các nhà đầu tư thiên thần như Hatch! Angel, Mekong Angel Investor Network, iAngel. Các nhà đầu tư thiên thần thường tham gia đầu tư từ khá sớm, thậm chí từ giai đoạn ý tưởng của dự án và thường phải chịu rủi ro rất cao. Trong khi đó hành lang pháp lý cũng như khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư thiên thần ở nước ta còn thiếu và yếu. Nhà nước có thể sử dụng chính sách khuyến khích đầu tư thiên thần thông qua ưu đãi thuế hoặc hỗ trợ thiết lập, hình thành, hoạt động các mạng lưới nhà đầu tư thiên thần.Với các mạng lưới nhà đầu tư thiên thần, doanh nghiệp sẽ dễ dàng gọi vốn hơn đồng thời hưởng lợi ích gộp từ các nhà đầu tư, còn các nhà đầu tư có thể chia sẻ rủi ro, tận dụng lợi thế mạng lưới liên kết để hỗ trợ cho các doanh nghiệp mình đầu tư.

 
Công cụ thuế cũng được các quốc gia trên thế giới sử dụng linh hoạt nhằm khuyến khích, thúc đẩy cá nhân đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Ví dụ như, ưu đãi thuế thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể xem xét áp dụng trong một khoảng thời gian để khuyến khích các nhà đầu tư cá nhân.

 
Ở Anh, nhà đầu tư có cổ phần tối thiểu 5% được giảm thuế thu nhập khi chuyển nhượng cổ phần. Ở Pháp, các nhà đầu tư sẽ không bị tính thuế trên lợi nhuận nếu lấy lợi nhuận sau thoái vốn để tái đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Tín dụng thuế (tax credit) - khi phần vốn đầu tư được khấu trừ vào khoản thu nhập chịu thuế, cũng thường được áp dụng để khuyến khích đầu tư tiếp theo cho khởi nghiệp sáng tạo tại một số quốc gia như Malaixia, Hoa Kỳ, Singapo,...

 
Gọi vốn cộng đồng (Crowdfunding) là một hình thức mới và rất tiềm năng để gọi vốn. Hiện tại, ở Việt Nam, nhiều người dân vẫn lựa chọn gửi tiền tiết kiệm thay vì mang đi tái đầu tư để tạo ra lợi suất cao hơn. Các cá nhân hay tổ chức tiến hành hoạt động cho vay ở Việt Nam đều cần giấy phép của ngân hàng nhà nước, với các điều kiện tương đối chặt chẽ và thủ tục cũng như thời gian xin giấy phép tương đối lâu. Gọi vốn cộng đồng có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức, ví dụ như: góp vốn thực hiện một mục tiêu xã hội (donation), góp vốn mua trước sản phẩm (pre-sale) hoặc mua các sản phẩm phiên bản giới hạn (reward-based), góp vốn cổ phần (equity-based), cho vay ngang hàng (lending-based),...

 
Ở nhiều nước, các quy định cho nền tảng huy động vốn đám đông đã được đưa ra, phần lớn để bảo vệ người cho vay. Với các quy định hợp lý, nền tảng này đã có được thành công ở nhiều nước như Mỹ, Anh, góp phần thu hút nguồn vốn dồi dào trong cư dân vào đầu tư. Ở một số quốc gia, việc triển khai các mô hình mới này cần được thí điểm để đánh giá hiệu quả cũng như tác động tới các mô hình cũ đang hoạt động, ví dụ như sử dụng khung thí điểm chính sách (sandbox policy). Vấn đề quan trọng là cần xác định rõ mối liên hệ giữa cá nhân đầu tư, bên nhận đầu tư, bên quản lý nền tảng ứng dụng và các định chế tài chính, sự minh bạch của thông tin, dữ liệu nhằm bảo vệ tốt nhất cho các bên tham gia hoạt động này.

 
Một số công cụ tài chính khác cũng được nhiều quốc gia thí điểm hoạt động, ví dụ như: Sàn giao dịch chứng khoán và thị trường thứ cấp cho mua bán cổ phần cho công ty vừa và nhỏ, bảo lãnh tín dụng,... Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia thành lập và hoạt động tương đối hiệu quả sàn giao dịch cho các startup (KONEX).

 
Tuy nhiên, để thành công, nền tảng giao dịch này cần một lượng đủ nhiều các startup thành công và hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo cũng phải đủ mạnh để có thể đủ hấp dẫn đối với cả bên đầu tư và bên nhận đầu tư. Bên cạnh đó, cũng có thể nghiên cứu xây dựng những quy định đặc thù về việc chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, do những quy định hiện tại tương đối chặt chẽ và ngặt nghèo đối với các doanh nghiệp này. Hiện tại, mặc dù hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã phát triển được một thời gian, nhưng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp IPO được chỉ đếm trên đầu ngón tay (ví dụ như FPT, Thế giới di động,...).

 
Ngoài các công cụ tài chính đơn lẻ, nhà nước có thể sử dụng vốn nhà nước như một đòn bẩy trong các công cụ tài chính kết hợp. Một phương pháp là sử dụng trợ cấp chính phủ cho những startup đã đảm bảo được khoản vay ngân hàng, hoặc khi startup đã có được cam kết đầu tư từ các nhà đầu tư khác.

 
Ở Phần Lan, nhà nước có thể tài trợ tới 500.000 Euro cùng với 700.000 Euro cho vay cho giai đoạn mở rộng. Ở Singapo, StartupSG có những chương trình tài trợ tối đa 70%, 30% còn lại là từ các nhà đầu tư khác. Việc cùng đầu tư như vậy giúp cho nhà nước chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư tư nhân, đồng thời tận dụng được chuyên môn của các nhà đầu tư tư nhân trong việc lựa chọn startup tiềm năng để đầu tư.

 
Hình thức “quỹ của các quỹ” (Fund of funds - FoFs) hoặc đối ứng cho các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân. Với hình thức FoF, nhà nước sử dụng ngân sách đầu tư vào các quỹ tư nhân cho khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc mua các chứng chỉ quỹ với thời gian thoái vốn khác nhau. Còn đối với hình thức đối ứng, nhà nước cùng đầu tư với một số nhà đầu tư tư nhân khác.

 
Ở Singapo, chương trình Startup SG Equity sẽ cùng đầu tư với khu vực tư nhân, với tỷ lệ 70:30 với phần vốn từ nhà nước chiếm 70%, nhưng khi thoái vốn thành công, chỉ thu về 30% lợi nhuận. Ở châu Âu, nhiều nước đã thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm công với mục tiêu thiết lập thị trường VC có lợi nhuận và tự duy trì.

 
Ở Israel, chương trình Yozma đầu tư cho các startup thông qua các quỹ VC tư nhân và đồng ý cho các VC mua lại ở một điều kiện định trước. Chương trình Yozma đã được triển khai hết sức thành công, thúc đẩy sự hình thành và phát triển sôi động của nền công nghiệp đầu tư mạo hiểm tại Israel ngay từ những năm 90 của thế kỉ trước.

 
Ở Việt Nam, hiện tại, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho phép nguồn vốn ngân sách địa phương được phép cùng đầu tư với các quỹ tư nhân nhưng buộc phải thoái vốn sau 5 năm, điều này tương đối cản trở sự phát triển của việc đầu tư do thời gian này chưa đủ dài để doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trưởng thành. Bên cạnh đó, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên cũng chưa có căn cứ để các địa phương triển khai hoạt động này.

 
Nhìn chung, tại Việt Nam hiện nay, việc thúc đẩy hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã bắt đầu có những bước biến chuyển mạnh mẽ. Song còn rất cần một hành lang pháp lý tổng thể, hệ thống và hiệu quả về thành lập, quản lý hoạt động, ưu đãi, đầu tư, thoái vốn đầu tư, hoạt động hỗ trợ của tất cả các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Nguồn: Vista.gov.vn

Số lượt đọc: 1422

Về trang trước Về đầu trang