Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục), nhằm phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp, Hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến góp phần cải tiến năng suất chất lượng trong khuôn khổ Chương trình Quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" - Chương trình 712, Tổng cục đã ký kết biên bản ghi nhớ về phối hợp thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp với các hiệp hội.
Cụ thể, đã có các biên bản ghi nhớ được ký kết với các hiệp hội như: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep); Hiệp hội Da - Giầy- Túi xách Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam; Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas); Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa TP Hà Nội; Hiệp hội Cơ khí Việt Nam.
Chương trình Quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành số 712/QĐ-TTg ngày 21 tháng 05 năm 2010. Ngày 29 tháng 12 năm 2010, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 20/2010/TT-BKHCN trong đó hướng dẫn, quy định về tổ chức, quản lý và điều hành Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Ngày 16 tháng 9 năm 2011, Liên Bộ Tài chính, Khoa học và Công nghệ cùng ký ban hành Thông tư liên tịch số 130/2011/TTLT-BTC-BKHCN quy định chế độ quản lý tài chính đối với các nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.
Qua gần 10 năm triển khai, đến nay Chương trình 712 đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực, hiệu quả, tác động sâu rộng vào cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng.
Đánh giá về tình hình triển khai và kết quả thực hiện Chương trình 712, mới đây Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận các kết quả trong triển khai thực hiện Chương trình quốc gia Năng suất chất lượng trong thời gian qua.
Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đến năm 2020 của Chương trình. Trong giai đoạn tiếp theo cần đẩy mạnh, đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động doanh nghiệp hưởng ứng, tham gia các hoạt động nâng cao năng suất chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống và áp dụng chung nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm, hàng hóa Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế theo tinh thần các Nghị quyết số 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.