Tin KHCN trong nước
05 phương thức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (28/03/2018)
-   +   A-   A+   In  

Có 05 phương thức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo khi tham gia Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo đáp ứng 02 điều kiện là có thời gian hoạt động không quá 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; Chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với công ty cổ phần thì sẽ được lựa chọn tham gia Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo một trong các phương thức sau:

Thứ nhất, được đầu tư, lựa chọn bởi các cơ quan, tổ chức, bao gồm: Các khu làm việc chung; Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, cơ sở thúc đẩy kinh doanh, đáp ứng các tiêu chí nhất định (Người đứng đầu có ít nhất 01 năm kinh nghiệm hoạt động tư vấn đầu tư, tài chính và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, tổ chức có ít nhất 01 năm hoạt động, cung cấp dịch vụ cho ít nhất 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và đã đầu tư hoặc gọi vốn đầu tư được ít nhất 01 tỷ đồng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam); Các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ hai, được nhận các giải thưởng cấp quốc gia, quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo hoặc sản phẩm, dự án về đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, được cấp giấy chứng nhận, văn bằng bảo hộ đối với sáng kiến, sáng chế.

Thứ tư, được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ, giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao.

Thứ năm, được lựa chọn trực tiếp bởi hội đồng.

Trong đó, hội đồng do cơ quan chủ trì Đề án thành lập và hoạt động đảm bảo 04 nguyên tắc: Số lượng thành viên hội đồng và cơ chế làm việc của hội đồng do cơ quan chủ trì Đề án quyết định; Có tối thiểu 50% thành viên tham gia Hội đồng là đại diện từ các chuyên gia tư vấn độc lập trong nước và quốc tế, hiệp hội liên quan và các cá nhân khác; Các thành viên của hội đồng từ đại diện các cơ quan quản lý nhà nước hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm; Hội đồng hoạt động liên tục trong toàn bộ thời gian của Đề án và tự giải thể sau khi kết thúc Đề án.

Nguồn: Tạp chí Tài Chính

Số lượt đọc: 3498

Về trang trước Về đầu trang