Tin KHCN trong nước
Cần sớm có hành lang pháp lý cho xây dựng “thành phố thông minh” (22/11/2017)
-   +   A-   A+   In  
Được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng nên các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần sớm có hành pháp lý cụ thể cho xây dựng “thành phố thông minh”.

"Thành phố thông minh" hiểu một cách đơn giản là ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ qua hạ tầng viễn thông và Internet để giải quyết các vấn đề của đô thị như an ninh, giao thông, giáo dục… và tạo cho người dân những trải nghiệm công nghệ hấp dẫn.

Hiện gần 20 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã xây dựng đề án thí điểm "đô thị thông minh". Theo các chuyên gia, đây là tín hiệu đáng mừng nhưng để nhanh chóng hiện thực hoá các đề án này cần sớm có hành lang pháp lý cụ thể.

Ông Steven Furst - Giám đốc chiến lược, FPT Innovation System Việt Nam, nói: "Các mô hình "thành phố thông minh" có thể triển khai bởi các thành phố hoặc khu vực tư nhân nhưng Chính phủ sẽ nắm vai trò điều tiết chung, trong đó bao gồm: Bảo mật, đầu tư, tác động tới môi trường, quy định pháp luật cụ thể…".

Tháng 12/2016, Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành bộ tiêu chí đánh giá, công nhận "đô thị thông minh". Tuy nhiên, hiện sau gần 1 năm vẫn chưa có.

Với Công ty VP9 Việt Nam, sau vài năm lắp đặt camera thông minh cho nhiều tỉnh và thành phố, công ty đang ngóng chờ bộ tiêu chí để có thể đồng bộ giải pháp và kết nối nhiều doanh nghiệp tạo thành hệ thống lớn hơn.

"Việt Nam nên liên thông và áp dụng chung một tiêu chuẩn với các thành phố thông minh trên thế giới bởi tạo ra các tiêu chuẩn riêng rất khó?", ông Nguyễn Đình Nam - Tổng Giám đốc Công ty VP9 Việt Nam nói.

Mới đây, trong cuộc thi đầu tiên dành cho startup về giải pháp xây dựng "thành phố thông minh" ở Việt Nam, nhiều sản phẩm tham gia cuộc thi đã được áp dụng thành công trên thế giới nhưng cũng có nhiều sản phẩm rất mới. Vì vậy, đẩy nhanh thử nghiệm và triển khai giải pháp mới cũng là đẩy nhanh xây dựng "thành phố thông minh" ở Việt Nam.

"Startup cần được hỗ trợ để tăng trưởng và cạnh tranh, một trong những cách đó là bắt tay với các công ty lớn hơn bởi startup có ý tưởng và giải pháp, công ty lớn sẽ có công nghệ. Đây là cách nhanh chóng để ứng dụng vào các "thành phố thông minh" ở Việt Nam", ông Roger Thomas Moyes - Giám đốc dự án MBI nói.

Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của phát triển "thành phố thông minh". Vì vậy, với 12 lĩnh vực đã được xác định, tiềm năng của Việt Nam sẽ còn rất lớn cho các doanh nghiệp tận dụng công nghệ để phát triển, cung cấp cho người dân những tiện ích tốt hơn.

Nguồn: VTV

Số lượt đọc: 5138

Về trang trước Về đầu trang