Tin KHCN nước ngoài
Kiểm soát dịch hại nông nghiệp bằng phương pháp sử dụng ruồi giấm biến đổi gen (20/08/2014)
-   +   A-   A+   In  

Trong một nghiên cứu được công bố gần đây, các nhà khoa học thuộc Đại học Đông Anglia (UEA) và Công ty Công nghệ Sinh học Oxitec Ltd có trụ sở ở Abingdo (Anh) cho biết họ đã phát hiện ra phương pháp nhằm kiểm soát quần thể hoang dã ruồi đục quả Địa Trung Hải với mức chi phí thấp, đồng thời rất hiệu quả và thân thiện với môi trường thông qua việc thả ruồi giấm biến đổi gen vào môi trường tự nhiên.

Ruồi đục quả Địa Trung Hải vốn được xem là dịch hại nông nghiệp nghiêm trọng, chúng thường xuyên tấn công và tán phá các nông trại canh tác rau quả, gây thiệt hại lớn cho ngành trồng trọt, không chỉ trong phạm vi khu vực Địa Trung Hải mà còn ở các quốc gia khác trên thế giới như: Ôxtrâylia, Bắc và Nam Mỹ. Rất nhiều các biện pháp kỹ thuật nhằm kiểm soát, tiêu diệt loài này đã được áp dụng và thực hiện, bao gồm: việc sử dụng kết hợp thuốc trừ sâu, bẫy mồi, phương pháp khử trùng... Một trong số những phương pháp khử trùng là sử dụng phương pháp chiếu xạ, với mục đích làm suy yếu khả năng sinh sản của những con ruồi đực, sau đó, thả vào tự nhiên những con côn trùng vô sinh để tạo ra giao phối không khả thi, biện pháp này được gọi là kỹ thuật gây vô sinh ở côn trùng (SIT).

So với các kỹ thuật hiện nay được sử dụng để tiêu diệt loài ruồi này, SIT được coi là hiệu quả và thân thiện với môi trường nhất. Để thực hiện phương pháp này, các nhà khoa học đã sử dụng các con ruồi đực trước đó đã bị làm suy yếu khả năng sinh sản bằng phương pháp chiếu xạ dẫn đến vô sinh vào quần thể tự nhiên, vì thế, làm gián đoạn quá trình giao phối giữa ruồi đực và ruồi cái Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công ty Oxitec cũng nghiên cứu xem xét việc không sử dụng phương pháp chiếu xạ gây vô sinh trước khi thả vào môi trường tự nhiên những con ruồi đực được biến đổi gen. Những con ruồi này thực chất không bị vô sinh, tuy nhiên, chúng chỉ có khả năng sinh sản ra các con ruồi đực con sau khi giao phối với các con ruồi cái Địa Trung Hải, trong khi đó, các con ruồi cái con sẽ chết trước khi đến giai đoạn trưởng thành. Các con ruồi này khỏe mạnh hơn những con ruồi được sử dụng trong kỹ thuật SIT. Các nhà khoa học đã thực hiện mô phỏng một môi trường hoang dã có quần thể loài ruồi Địa Trung Hải trong nhà kính tại Đại học Crete, Rethymnon, Hy Lạp. Kết quả thí nghiệm cho thấy các con ruồi giấm đực biến đổi gien được thả vào môi trường trên có khả năng làm suy giảm nhanh chóng số lượng ruồi gây hại Địa Trung Hải.

Trước đó, công ty Oxitec cũng đã phối hợp với trường Đại học California Irvine, Hoa Kỳ để thực hiện một thí nghiệm, trong đó, các nhà khoa học sẽ cho những con muỗi biến đổi gen giao phối với muỗi cái, tạo ra một thế hệ muỗi con bị khiếm khuyết (không có cánh) và chết trước lúc trưởng thành. Điều này làm giảm đáng kể khả năng tiếp cận cũng như truyền bệnh cho con người của muỗi, đồng thời, chúng dễ dàng trở thành mục tiêu của những kẻ săn mồi khác.

Nguồn: vista

Số lượt đọc: 10545

Về trang trước Về đầu trang