Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Xây dựng cơ chế hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp (21/11/2017)
-   +   A-   A+   In  

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ÐMST) ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến với nhiều mô hình, hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) thành công. Tuy vậy, các cấp chính quyền, quản lý cần xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ cho khởi nghiệp ÐMST phù hợp đặc thù tại từng địa phương.

Thực trạng hoạt động
Theo Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (NATEC), hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST bao gồm các thành phần chính là: Chính sách và luật pháp của nhà nước; vốn và tài chính; văn hóa khởi nghiệp; cá nhân, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; các trường đại học; các khóa đào tạo, tập huấn thường xuyên về khởi nghiệp và các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; nhân lực; thị trường. Hiện nay, hoạt động khởi nghiệp ÐMST tuy mới hình thành nhưng đã giúp một số doanh nghiệp thành công trong giai đoạn đầu, như một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ giáo dục, nông nghiệp, công nghệ tài chính, thương mại điện tử, giải trí, truyền thông. Chỉ tính riêng năm thương vụ kêu gọi vốn thành công nhất đã có tổng giá trị lên đến hơn 40 triệu USD. Theo đánh giá của các chuyên gia, những kết quả khả quan đều nhờ sự hỗ trợ và nâng cao năng lực trong giai đoạn khởi nghiệp. Tất cả những hỗ trợ đó đã hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp của một vùng, một quốc gia. Hiện, có khoảng gần 40 quỹ đầu tư mạo hiểm cho DNKN đang hoạt động tại Việt Nam như: DG Ventures, CyberAgent Ventures, Gobi Partners, 500 startups, Quỹ Sáng tạo CMC, Viettel Venture… Số lượng nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam đang tăng dần với nhân sự là các doanh nhân khởi nghiệp đã thành công ở thế hệ đầu thực hiện đầu tư cho các DNKN ở thế hệ sau. Qua đó bắt đầu hình thành một số mạng lưới đầu tư thiên thần như: VIC Impact, iAngel... Nhờ đó, năm 2016, ngành công nghệ tài chính tại Việt Nam đã thu hút được 129 triệu USD, nhiều hơn tổng giá trị của tất cả các lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ giáo dục, công nghệ truyền thông.

Theo NATEC, hiện có khoảng 24 cơ sở ươm tạo và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Các cơ sở ươm tạo hầu hết là đơn vị hỗ trợ hoàn thiện ý tưởng, công nghệ và gắn kết với các viện nghiên cứu, trường đại học như Vườn ươm doanh nghiệp CNC Hòa Lạc; Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp... Các tổ chức thúc đẩy kinh doanh tuy là mô hình mới nhưng cũng đang hoạt động rất hiệu quả như: Ðề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon ở Việt Nam” (Vietnam Silicon Valley) của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); Tổ chức thúc đẩy kinh doanh Việt Nam... Ngoài ra, huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp là đối tượng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho các DNKN, cũng bước đầu hình thành được một số mạng lưới cố vấn hỗ trợ như: Mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chương trình Ðối tác ÐMST Việt Nam - Phần Lan... Hiện, cả nước có khoảng 30 khu làm việc chung, không gian sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất, kỹ thuật và đào tạo, kết nối của các DNKN. Các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST nêu trên đã có nhiều hoạt động, kết nối với nhau và thu hút được sự quan tâm của xã hội.

Doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư thiếu thông tin về nhau
Hiện nay, do thiếu thông tin, các DNKN luôn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và nguồn vốn. Mặt khác, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng gặp phải vấn đề tương tự khi không thể tìm được một nguồn thông tin đầy đủ và đáng tin cậy về các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam. Từ trước đến nay cũng chưa có một nghiên cứu chính thức nào về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam, năng lực và lĩnh vực kinh doanh của họ, cũng chưa có thống kê chính thức về các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các sự kiện khởi nghiệp từ cấp tỉnh, thành phố cho đến cấp quốc gia. Những khó khăn về mặt thông tin và kết nối như vậy đang kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp cũng như các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp... Nhất là có một thực tế nhiều DNKN lựa chọn ra nước ngoài khởi nghiệp vì môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam còn nhiều vướng mắc và chưa có hỗ trợ tương tự.

Theo Thứ trưởng KH&CN Trần Văn Tùng, hiện nay, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu, xây dựng hệ thống chính sách, sắp tới sẽ hình thành được các quỹ. Ðây chính là cơ sở để hình thành nguồn vốn hỗ trợ cho những người làm khởi nghiệp. Việc hình thành quỹ sớm sẽ giúp cho việc ngăn chặn làn sóng, hoặc sự lôi kéo của các nước với các DNKN của Việt Nam. Mặt khác, ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST quốc gia đến năm 2025” tại Quyết định số 844/QÐ-TTg (Ðề án 844). Ðây là cơ hội để các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển nền tảng hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST, tạo ra xúc tác cho sự phát triển và liên kết của các chủ thể trong hệ sinh thái. Cục trưởng NATEC Phạm Hồng Quất cho biết, thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp ÐMST quốc gia; xây dựng khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp ÐMST; tổ chức ngày hội khởi nghiệp quốc gia (Techfest); tiếp tục triển khai đề án Vietnam Silicon Valley; phát triển đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho khởi nghiệp ÐMST; phát triển cơ sở vật chất, truyền thông cho khởi nghiệp ÐMST; hỗ trợ kết nối, giới thiệu đối tác, nhà đầu tư và khuyến khích sử dụng các quỹ để đầu tư cho ÐMST; nghiên cứu, đề xuất ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về khởi nghiệp ÐMST. Bộ KH&CN sẽ chủ động nghiên cứu, đề xuất, phối hợp các bộ, ban, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung một số luật, văn bản quy phạm pháp luật nhằm hỗ trợ khởi nghiệp ÐMST; ban hành trong năm 2017 Thông tư hướng dẫn quản lý và Thông tư hướng dẫn tài chính cho việc triển khai Ðề án 844; đơn giản hóa thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, thủ tục giải thể doanh nghiệp, thủ tục đầu tư và nhận đầu tư, nhất là nguồn vốn từ nước ngoài cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Nguồn: Báo nhân dân

Số lượt đọc: 1494

Về trang trước Về đầu trang