Tin KHCN trong nước
Phát triển internet: Phải bảo đảm an ninh, an toàn (21/11/2017)
-   +   A-   A+   In  
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng internet cao nhất thế giới. Song bên cạnh những lợi ích tích cực, nhiều vấn đề phức tạp cũng đã nảy sinh, gây ra những hậu quả khôn lường. Thảo luận tại tổ về dự án Luật An ninh mạng chiều 13-11, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự luật, trong đó khẳng định: Phải bảo đảm an ninh, an toàn khi phát triển internet.

An ninh mạng - vấn đề... khó

Sự phát triển mạnh mẽ của internet tại Việt Nam đã tạo môi trường đặc biệt thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa và truyền thông. Thế nhưng, nguy cơ từ việc mất an toàn, an ninh mạng cũng ngày càng hiện hữu rõ nét. Theo đánh giá của Cục An ninh mạng (Bộ Công an), bên cạnh lợi ích to lớn không thể phủ nhận, không gian mạng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ với an ninh quốc gia. Trên thực tế đã xảy ra tình trạng hệ thống mạng thông tin tại các cơ quan trọng yếu bị tấn công, đánh cắp tài liệu nội bộ. Hệ thống thông tin của các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo chí bị tấn công dưới nhiều hình thức... Từ các vụ tấn công mạng vào Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất hay vụ tấn công vào hệ thống của Vietnam Airlines năm 2016 làm trì hoãn 100 chuyến bay… đã cho thấy nguy cơ mất an ninh mạng rất cao. Thêm vào đó, môi trường internet đã và đang trở thành phương tiện hoạt động của tội phạm với những vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…

Thảo luận tại tổ về dự án Luật An ninh mạng, diễn ra chiều 13-11, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an (đại biểu Đoàn Bắc Ninh) cho biết, dự án luật có nội dung liên quan đến quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Đây là vấn đề rất khó, không chỉ với Việt Nam mà với cả thế giới. Theo Bộ trưởng, một quốc gia có kỹ thuật công nghệ cao như nước Mỹ cũng phải hợp tác để bảo vệ an ninh mạng. Trong an ninh mạng, phải bảo đảm cả bí mật đời tư của người dân chứ không chỉ bảo vệ an ninh của quốc gia.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của mạng internet, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, internet đã làm biến đổi nhiều mặt quan hệ xã hội, tác động vào sản xuất, đời sống, kinh tế, văn hóa... Vì vậy, không thể ngăn chặn, cản trở sự phát triển của thông tin điện tử, internet vì bất kể lý do gì. Tuy nhiên, khi vào "cuộc chơi" chung cũng bộc lộ rất nhiều nguy cơ. Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho rằng, trong đời sống thực tế có tội phạm gì thì không gian mạng cũng có tội phạm đó. Đời thực thì có thể thu thập được chứng cứ, có hiện trường thực, nhưng trên mạng là chứng cứ ảo, chứng cứ số. Khi chứng cứ số bị xóa, có thể sử dụng biện pháp khoa học kỹ thuật khôi phục. Do vậy, để phục vụ điều tra, xét xử thì chứng cứ số cũng là vấn đề, phải được quy định, nếu không xử lý sẽ rất khó khăn.

Còn nhiều băn khoăn

Cần có chính sách thiết thực nhằm thu hút nguồn nhân lực giỏi về công nghệ thông tin

để bảo đảm an ninh mạng.

Thảo luận tại tổ, đa số đại biểu tán thành việc cần thiết phải ban hành Luật An ninh mạng, song nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn xung quanh dự án luật quan trọng này.

Dẫn số liệu kết quả điều tra, đánh giá thực trạng an toàn thông tin tại Việt Nam năm 2016, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) cho biết, có 41% cơ quan, tổ chức không thực hiện quản lý rủi ro dẫn đến bị mã độc thâm nhập và 73% cơ quan, tổ chức chưa triển khai biện pháp bảo đảm an toàn thông tin khi sử dụng internet... Theo đại biểu, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nguy cơ mất an ninh mạng cũng gia tăng, nhưng lại thiếu cơ chế xử lý phát sinh. Bên cạnh những trang thông tin chính thống, hiện đang tồn tại nhiều trang thông tin cá nhân, liên tục đăng tải những thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận, đe dọa lợi ích quốc gia. Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực này còn thiếu, yếu và không đủ sức răn đe.

Băn khoăn về sự chồng chéo của Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin và Luật An ninh mạng, đại biểu Nguyễn Việt Dũng (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần rà soát lại toàn bộ các luật này để tránh chồng chéo. Đồng thời, phải có sự chỉ huy thống nhất của Chính phủ để tránh tình trạng rời rạc, manh mún. Luật An ninh mạng phải bảo đảm được quyền tự do của công dân, tránh tình trạng hạn chế năng lực sáng tạo khi xã hội đang hướng tới xây dựng nền công nghiệp 4.0.

Đề cập đến Khoản 4, Điều 34 dự thảo Luật An ninh mạng với quy định: "Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...", đại biểu Nguyễn Việt Dũng cho rằng, yêu cầu Google, Facebook, Amazon... phải đặt máy chủ ở Việt Nam là không ổn. Bởi như Facebook đã có mặt ở 200 nước thì phải đặt máy chủ cả ở 200 nước? Không tập đoàn, công ty nào chịu nổi chi phí như vậy. 

Cho rằng xây dựng chiến lược phát triển bảo vệ an ninh mạng theo chu kỳ 5 năm/lần là quá lâu, cần phải tiến hành thường xuyên, liên tục, đại biểu Ngô Đức Mạnh (Đoàn Bình Phước) đề nghị, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực, thành lập lực lượng chuyên trách, chuyên nghiệp bảo vệ an ninh mạng. Để thực hiện, cần có chính sách thiết thực nhằm thu hút nguồn nhân lực giỏi về công nghệ thông tin phục vụ công tác này. 

Trong khi đó, theo đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh), dự thảo mới chú trọng đến an ninh quốc gia, chưa quan tâm nhiều đến đánh giá về an ninh kinh tế. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung chế tài xử lý hành vi phá hoại, khiến hệ thống mạng không thể hoạt động như đã từng xảy ra tại các đơn vị hành chính giáp cửa khẩu, khiến một số xã vùng biên giới của tỉnh Quảng Ninh không thể truy cập mạng, cập nhật chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ... 

Nguồn: Báo Hà Nội Mới

Số lượt đọc: 4295

Về trang trước Về đầu trang