Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Thay đổi thói quen làm chính sách để tạo thành công từ đổi mới sáng tạo (16/11/2017)
-   +   A-   A+   In  
Việt Nam đang trong giai đoạn đầu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp nên nhiều khi chính sách lại có mặt ở những nơi không cần thiết và vắng mặt ở những nơi cần tới.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh chia sẻ tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm của Israel về ươm tạo và Thương mại hóa công nghệ” được tổ chức tại trụ sở Bộ KH&CN chiều ngày 14/11/2017. Hội thảo có sự góp mặt của của 2 chuyên gia hàng đầu ươm tạo doanh nghiệp KH&CN đến từ Israel là bà Sarai Kemp, Phó Chủ tịch Phát triển Kinh doanh cho Trendines Agtech thuộc Tập đoàn Trendlines và ông Meir Dardashti, Chuyên gia phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đến từ Vườn ươm Ideality Roads.



Toàn cảnh hội thảo

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh thay mặt Bộ KH&CN cảm ơn Đại sứ quán Isarel đã phối hợp tổ chức hội thảo này. Bộ trưởng cho biết, Isarel được biết với thương hiệu Quốc gia khởi nghiệp về đổi mới sáng tạo và đang là đất nước đi đầu thế giới về lĩnh vực này. Là quốc gia không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhưng những thành tựu KH&CN, đổi mới sáng tạo của quốc gia này đạt được thật ấn tượng. Bên cạnh khởi nghiệp, Israel còn được biết đến là quốc gia tạo nguồn công nghệ.

“Tôi mong rằng, thông qua chia sẻ của hai chuyên gia hàng đầu, những bài học thành công và thất bại từ các góc nhìn khác nhau, cơ chế chính sách cho thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kinh nghiệm ươm tạo khởi nghiệp, thương mại hóa… sẽ được chia sẻ để có được những bài học cho Việt Nam trên con đường ươm tạo, thương mại hóa công nghệ”- Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Không thể thiếu “bàn tay” Chính phủ

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo không phải quá trình ngẫu nhiên mà cần có sự tham gia của Chính phủ - chia sẻ của ông Mei Dardashti đến từ Vườn ươm Ideality Roads. Trên thế giới có nhiều định nghĩa khác nhau về vườn ươm tạo doanh nghiệp và Chính phủ Israel xác định tham gia ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn đầu. Đây là thời điểm rủi ro cao, doanh nghiệp dễ thất bại và rất khó để kêu gọi doanh nghiệp tư nhân đầu tư.

Quốc gia này đã xác định trong chiến lược phát triển của mình: KH&CN là đòn bẩy để đi lên. Với chiến lược đó, Israel đã thành công với nhiều công ty KH&CN, starup… Việc đầu tư cho doanh nghiệp cũng được quốc gia này chia theo chiến thuật và có những mục tiêu rõ ràng. Mỗi giai đoạn phát triển sẽ có những mức đầu tư khác nhau và cần có định nghĩa về “thất bại thị trường”. Nghĩa là giai đoạn đầu rủi ro cao, các doanh nghiệp không đổi mới công nghệ không thể kêu vốn từ tư nhân, lúc này cần “bàn tay” của Nhà nước. Thường thì giai đoạn này Nhà nước hỗ trợ 85% kinh phí, 15% còn lại là từ phía tư nhân. Thực tế cho thấy, sau một thời gian phát triển, mức đầu tư của tư nhân sẽ tăng 4- 5 lần mức Nhà nước bỏ ra. Và như vậy, đầu tư ban đầu chỉ mang tính mồi.

Từ chiến lược này, Israel có thể tự hào là quốc gia sản sinh ra những công ty lớn- quốc gia khởi nghiệp. Hiện, quốc gia này đứng thứ 3 thế giới về số lượng các công ty niêm yết trên NASDAQ (chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc); xếp thứ 2 thế giới về đầu tư mạo hiểm quản lý quốc gia (chỉ đứng sau Mỹ về quy mô). Nơi đây cũng là địa điểm lý tưởng để nhiều công ty toàn cầu đặt Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển. Đã có rất nhiều câu chuyện thành công từ KH&CN, đổi mới sáng tạo tưởng như chuyện chỉ có trong chuyện cổ tích đã được viết nên từ đây.

Được biết, ngân sách trung bình đầu tư cho mỗi dự án mà Chính phủ Israel cấp cho các doanh nghiệp là 600.000 USD trong vòng 2 năm. Những dự án về công nghệ sinh học sẽ nhận được khoản đầu tư lớn hơn do yêu cầu đầu tư của ngành lớn. Đây không phải số tiền lớn, nhưng giúp doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu sản phẩm ban đầu trước khi thương mại hóa.

Nếu doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, họ có trách nhiệm hoàn trả dần số tiền đầu tư của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu không thành công, họ thậm chí không phải chi trả khoản tiền nào mà còn được tiếp tục nộp hồ sơ xin đầu tư từ Chính phủ. Sau hơn 20 năm đầu tư, Israel nhận ra rằng, thời gian qua, kinh phí đầu tư của Chính phủ tăng không nhiều, nhưng chính sách này lại kích thích được các công ty tư nhân tăng cường đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp, với số vốn lớn gấp nhiều lần so với đầu tư từ Chính phủ.

Hai bài học được chuyên gia Israel đưa ra: Tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo không thể ngẫu nhiên mà cần sự tham gia của Chính phủ. Để tiếp tục duy trì hệ sinh thái này vẫn cần sự tham gia của Chính phủ.

Đánh giá cao những chính sách của Israel, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã hết sức quan tâm đầu tư cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Vẫn biết kinh nghiệm là Chính phủ cần có mặt ở những nơi cần thiết, nhưng hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn đầu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp nên nhiều khi chính sách “lại có mặt ở những nơi không cần thiết và vắng mặt ở những nơi cần tới”. Đây là điều mà Việt Nam cần được tư vấn nhiều hơn trong thời gian tới.



Đánh giá cao những chính sách của Israel, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã hết sức quan tâm đầu tư cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp

 

Ưu đãi về thuế không phải chính sách tốt

Chuyên gia Israel cho rằng, đối với kinh nghiệm thu hút đầu tư nước ngoài cho nghiên cứu phát triển, thực tế các công ty nước ngoài khi đầu tư không nhận được bất cứ chính sách ưu tiên nào cả. Việc ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp thực tế không phải chính sách tốt.

“Để thu hút doanh nghiệp hãy để họ nhìn thấy cơ hội tốt. Họ có thị trường, có thể nghiên cứu cùng startup. Việt Nam nên có chính sách để nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội mà họ có thể đạt được. Cái cần làm là cho nhà đầu tư thấy chính sách, hệ sinh thái mà có thể được tham gia vào” – ông Meir nhấn mạnh. 

Trả lời câu hỏi về việc thu thút đầu tư cho nghiên cứu và phát triển- vấn đề rất lớn mà nhiều nước đặt ra, vậy Việt Nam cần đưa ra chính sách như thế nào nào để thúc đẩy các trung tâm nghiên cứu phát triển toàn cầu? Ông Meir cho rằng, kinh nghiệm từ Israel là không có chính sách nào. Đơn giản vì 2 lý do, thứ nhất họ thấy cơ hội, họ có thể tài trợ đầu tư cho các starup. Thứ 2 họ không chịu đựng được chi phí nếu không phải là Isarel. Apple là ví dụ điển hình. Năm 2012, Apple đến Isarel vì không thể nào không đến bởi các hãng công nghệ lớn nhất thế giới đang có mặt ở đây (Google, Facebook, IBM, Mircosoft…).

Quay trở lại câu chuyện Việt Nam, chuyên gia Israel đưa ra lời khuyên, nên có những chính sách để họ thấy có cơ hội hấp dẫn, cơ hội đầu tư, để họ sẵn sàng đến với Việt Nam.



Ông Meir Dardashti, chuyên gia phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trình bày tại hội thảo

 

Cần hình thành văn hóa chấp nhận thất bại

Liên quan đến việc làm sao để xã hội chấp nhận những thất bại của công ty khởi nghiệp, chuyên gia Israel chia sẻ: đây là vấn đề khó nhất. Làm sao để chấp nhận tiền đầu tư của Nhà nước bị mất đi khi công ty thất bại. Các vấn đề luật pháp ràng buộc để tránh bị vi phạm pháp luật... Thực tế, 90% ngân sách đầu tư cho các starup thất bại. Kinh nghiệm cho thấy, chính sự thành công của các công ty khởi nghiệp tại Israel là câu chuyện thuyết phục nhất về tính mạo hiểm trong đầu tư. Điều này cần được truyền thông rộng rãi cho công chúng.

Chia sẻ về điều này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho rằng, cần phải có văn hóa chấp nhận thất bại. “Thể chế và pháp luật có thể hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo cũng như biến việc chấp nhận thất bại trở thành văn hóa cần một thời gian dài. Ví dụ, việc những startup đã thất bại và tiếp tục làm hồ sơ xin tài trợ ở Việt Nam rất khó để được chấp nhận như ở Israel. Điều này sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện”- Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.

Sở hữu trí tuệ- cực kỳ quan trọng

Cần khẳng định, hoạt động đổi mới sáng tạo không thể tách rời vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT). Điều này có ý nghĩa chiến lược không chỉ cho một quốc gia mà cho cả một doanh nghiệp nhỏ bước chân vào khởi nghiệp. Chuyên gia Israel khẳng định: nếu không có chiến lược về SHTT chỉ có thể phát triển công ty địa phương và các công ty lớn họ có thể ăn cắp ý tưởng, đè bẹp sự phát triển của các công ty địa phương. Đặt vấn đề SHTT ở mức cực quan trọng là một trong thành tố của chiến lược đi ra toàn cầu của Israel.

Thực tế cho thấy, ở giai đoạn khởi đầu, công ty khởi nghiệp không có bất cứ một cái gì, chưa có sản phẩm bán ra thị trường, đội ngũ không đông đảo và không sở hữu cái gì ngoài quyền SHTT là các sản phẩm nghiên cứu của họ. Đây là lý do duy nhất để các quỹ đầu tư cho các công ty này.

Áp lực tìm nguồn từ nhiều ý tưởng tốt

Kết luận buổi hội thảo, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh một lần nữa khẳng định: Rất cần đến vai trò của Chính phủ ở những nơi cần thiết. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, “Toàn bộ nền tảng thể chế, chính sách làm cho chúng tôi có một thói quen có khi có mặt ở những chỗ không cần thiết và không có mặt thì tốt hơn. Tôi cảm nhận đây không chỉ là câu chuyện cười. Nên dành phần năng động sáng tạo ở các cấu phần khác và nên là của khu vực tư nhân sẽ tốt hơn. Đây cũng là một điều chúng tôi cần tư vấn rất nhiều”- Bộ trưởng chia sẻ.

Bên cạnh đó, vấn đề tìm nguồn ý tưởng tốt đang đặt ra áp lực đối với Việt Nam, nhất là giới trẻ. Song cũng cần có cách tiếp cận khác về việc hiểu thế nào là ý tưởng tốt. Lâu nay, người ta thường quan niệm, ý tưởng tốt là ý tưởng khả thi về công nghệ và bị bỏ qua nhìn góc độ thương mại và thị trường. “Đó là một khoảng cách lớn mà những người làm chính sách như chúng tôi phải rất nỗ lực”- Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chia sẻ.

Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang diễn ra khá sôi động, việc xuất hiện của 2 chuyên gia Israel tại thời điểm Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2017 (TechFest 2017) đang diễn ra cho thấy mối quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề này. Rất chân thành, Bộ trưởng đã đưa ra đề nghị, tại TechFest 2017, hai chuyên gia thử đặt mình vào vào vị trí Bộ trưởng để giải bài toán cho người khởi nghiệp Việt Nam. Ông cũng đề nghị 2 chuyên gia sẽ tham gia tư vấn Chương trình khởi nghiệp đổi mới quốc gia Việt Nam.
 


Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tặng hoa các diễn giả

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 1385

Về trang trước Về đầu trang