Tin KHCN trong nước
Khởi sắc nghiên cứu khoa học trong sinh viên, giảng viên trẻ (08/11/2017)
-   +   A-   A+   In  
Nghiên cứu khoa học là một trong những hoạt động trọng điểm làm nên chất lượng và uy tín của các trường đại học. Thời gian qua, Trường Đại học Cần Thơ đã có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy hoạt động này trong toàn trường, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và vị thế của trường.

Nhiều đề tài có tính ứng dụng cao
Trong 5 năm (2012 - 2016), hoạt động nghiên cứu khoa học trong SV, giảng viên trẻ Trường ĐH Cần Thơ được đánh giá cao với những đề tài có tính thực tiễn.

Trong 355 đề tài do SV thực hiện và 199 đề tài của giảng viên trẻ, hầu hết đều có tính ứng dụng cao trong đời sống và đoạt nhiều giải thưởng: “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam”; “Holcim Prize”; KOV… Riêng giải thưởng “SV nghiên cứu khoa học” do Bộ GD&ĐT tổ chức năm 2016, SV của trường đạt 8 giải (1 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích).

Chuẩn bị tham gia giải thưởng này năm 2017, Trường ĐH Cần Thơ có 18 công trình nghiên cứu khoa học trong SV và 9 công trình nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ, thuộc nhiều lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, kỹ thuật hóa và công nghệ thực phẩm, kỹ thuật điện…

Qua thẩm định của các tiểu ban chuyên môn, có 16 công trình nghiên cứu khoa học (10 của SV, 6 của cán bộ trẻ) được trao giải “Tài năng nghiên cứu khoa học trẻ Trường ĐH Cần Thơ” năm 2017.

Tại Hội nghị Nghiên cứu khoa học trẻ Trường ĐH Cần Thơ vừa tổ chức, đại diện của các nhóm đề tài đoạt giải cao đã cho thấy những ứng dụng nghiên cứu hữu ích.

Đơn cử, đề tài “Tổng hợp và đánh giá hoạt tính sinh học của một số dẫn xuất Naphthalene - Benzimidazole” của nhóm SV Khoa học tự nhiên, đã thực hiện các bước nghiên cứu tài liệu, thực nghiệm, tổng hợp bằng phương pháp vi sóng…

Công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng: Hợp chất Benzimidazole có khả năng kháng viêm, kháng khuẩn, kháng virus, đặc biệt kháng ung thư.

Sinh vên Phùng Văn Bình, đại diện nhóm tác giả, cho biết: “Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ người chết vì mắc bệnh ung thư cao. Đây là lý do mà nhóm chọn đề tài này, nhằm góp phần nhỏ trong công tác phòng, điều trị bệnh ung thư”.

Bên cạnh đó còn có đề tài “Thiết kế đồ dùng dạy học Địa lý phổ thông từ rác thải trường học trên địa bàn thành phố Cần Thơ” của nhóm tác giả Đỗ Lan Chi, Trần Thị Mỹ Linh và Nguyễn Cao Cường (SV Khoa Sư phạm, Trường ĐH Cần Thơ), được hội đồng khoa học trường đánh giá cao.

Theo nhóm tác giả, số học sinh hiện đang tăng nhanh, kéo theo lượng rác thải cũng tăng, hệ quả là gây tình trạng ô nhiễm môi trường tại các trường học.

Vì thế, nhóm đã tận dụng phế phẩm để thiết kế làm đồ dùng dạy học môn Địa lý cho lớp 10, 11 và 12. Theo SV Đỗ Lan Chi, nhóm phân loại rác thải trường học: Vô cơ, hữu cơ, rác thải độc hại.

Sau đó, nhóm sử dụng vải, bọc nilong, ống hút, nắp chai, giấy và bìa carton… để tạo ra bản đồ, biểu đồ, quả địa cầu hay mô hình hoang mạc.

Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của học sinh Trường THPT Thực hành Sư phạm - ĐH Cần Thơ khá cao và quan trọng hơn hết là sáng kiến này đã góp phần bảo vệ môi trường, giáo dục ý thức sống xanh cho học sinh.

Tạo đà cho nghiên cứu khoa học phát triển
Thống kê của Trường ĐH Cần Thơ cho thấy: Trước năm 2009, số lượng đề tài, kinh phí cho nghiên cứu khoa học trong SV, cán bộ trẻ khá ít, chỉ tập trung ở một số lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, kỹ thuật - công nghệ…

Gần đây, số lượng đề tài, kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng tăng, lĩnh vực nghiên cứu phong phú, đa dạng hơn; đáng trân trọng là sự tham gia của SV, giảng viên lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn.

Đây là kết quả của sự quan tâm đầu tư từ Ban Giám hiệu, các đơn vị trực thuộc ĐH Cần Thơ, nỗ lực trong nghiên cứu khoa học của SV, giảng viên trẻ.

Tuy nhiên, nhiều SV, giảng viên trẻ của trường cho rằng, cần có sự tiếp sức từ nhiều phía, để SV, giảng viên trẻ được tiếp cận nhiều hơn nữa với thực tiễn cuộc sống, cũng như hoạt động nghiên cứu - ứng dụng khoa học công nghệ trong đời sống kinh tế - xã hội. Từ đó năng động hơn trong tìm nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học.

Về phía ĐH Cần Thơ, cũng cần phân công cán bộ giảng viên theo sát, khuyến khích công tác nghiên cứu khoa học trong SV, giảng viên trẻ; cũng như dẫn dắt, tạo điều kiện để SV dần hình thành thói quen nghiên cứu khoa học, hướng dẫn cách sắp xếp thời gian, rèn luyện tinh thần tự lập trong nghiên cứu, học thuật…

Theo PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Khôi - Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường ĐH Cần Thơ: Nhà trường đề ra các quy định và hướng dẫn cụ thể để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học; định kỳ tổ chức tập huấn chuyên sâu về cách viết thuyết minh, lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí đề tài; khen thưởng hàng năm các đề tài đạt loại xuất sắc để khích lệ các cá nhân có thành tích nghiên cứu tốt…

PGS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ - cho biết: Hội nghị nghiên cứu khoa học Trường ĐH Cần Thơ được tổ chức thường niên từ năm 2014 nhằm biểu dương thành tích của SV và giảng viên trẻ trong nghiên cứu khoa học, phát hiện và bồi dưỡng tài năng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Bởi hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của trường. Lãnh đạo trường tạo mọi điều kiện, tranh thủ các nguồn tài trợ để SV, giảng viên trẻ thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học một cách hiệu quả.

Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại

Số lượt đọc: 4758

Về trang trước Về đầu trang