Tin KHCN trong nước
Trí tuệ nhân tạo thay thế con người trong nhiều công việc (07/11/2017)
-   +   A-   A+   In  
Hiện robot và phần mềm máy tính đã được dùng cho khá nhiều công việc. Những máy này có khả năng làm những công việc đã được lập trình, lại có thể phân tích sự thay đổi của thực tế để hành xử theo những cách thức hay kịch bản đã được nạp vào bộ nhớ.

Không cần đến robot, phần mềm của máy tính hiện cũng có khả năng phân tích nội dung một văn bản nên dần dần có thể thay thế những thư ký, kế toán, nhân viên tài chính, …

Tựu chung, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có những ứng dụng ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực công nghệ, năng lượng, y khoa, ... và ảnh hưởng đến công ăn việc làm của thợ thuyền (cổ cồn xanh) hay của các nhân viên văn phòng (cổ cồn trắng) ...

Theo dự báo của các nhà tư vấn việc làm, dựa trên những chương trình phát triển trí tuệ nhân tạo, nhiều công việc mà con người vẫn làm sẽ biến mất vào khoảng năm 2025, và được thay thế bằng rô-bốt và phần mềm máy tính.

"Đối với các nước đang phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ đào sâu thêm hố phân cách giữa nước giàu và nước nghèo vì robot làm nhanh hơn người, ít sai sót hơn, và giá thành rẻ hơn nên hệ quả trước mắt là tỉ lệ số công việc dành cho người ngày càng nhỏ ở các nước này"- Tạp chí khoa học Nature đưa ví dụ của startup EdTech Udacity.

EdTech là một cơ sở dạy học trực tuyến. Nhà sáng lập, Sebastian Thrun, đồng thời cũng là giáo sư phụ trách một phòng thí nghiệm ở ĐH Stanford, thu thập các dữ kiện của các chat trực tuyến với khách hàng của mình, dạy cho chatbot (chatbot là robot trả lời chat - PV) đảm nhận việc giải quyết trực tuyến các câu hỏi của học viên. Như thế ông đã tăng khả năng có nhiều học viên hơn, lại ít tốn thì giờ cho nhân viên. Ông sáng chế ra một loại máy dạy học (learning machine).

Lúc bắt đầu, khi một câu hỏi được đặt ra, chatbot đề nghị một hay nhiều câu trả lời, hướng dẫn viên của học viện chỉ ở đó để sàng lọc và hoàn chỉnh câu trả lời. Nhờ vậy các hướng dẫn viên có thể giải quyết nhiều câu hỏi hơn.

Ví dụ thứ hai, trong y khoa, một máy tính trang bị phần mềm có thể chẩn bệnh ung thư da với xác suất tương đương với công việc của một bác sĩ da liễu lành nghề. Chỉ cần một điều kiện: cho vào bộ nhớ của máy tính 129.000 ảnh của da. Như thế vị bác sĩ sẽ rảnh tay để đối thoại với người bệnh hay để lo cho những trường hợp nặng hơn.

Ví dụ thứ ba: Giới y khoa chuyên về phẫu thuật cũng nói là trong vòng 30 năm tới, họ sẽ dùng robot lo cho tuyệt đại đa số các ca mổ. Công việc của bác sĩ ngoại khoa là cho vào bộ nhớ của robot những thông tin có tính đặc thù của bệnh nhân. Một việc mà kỹ thuật viên có thể đảm trách. Các robot làm việc chính xác hơn và nhanh hơn, tức là giảm thời gian phải gây mê cho bệnh nhân.

Cũng chưa hết, trong Y khoa, để chọn một hóa trị thích hợp cho một bệnh nhân ung thư, bác sĩ phải làm việc với 20.000 tỷ thông tin – một công việc hoàn toàn bất khả thi cho một bác sĩ. Máy tính làm được việc đó.

Trở về chuyện thường nhật gần với ta hơn, tài xế, kế toán viên, người phát thư, … sẽ được thay thế bằng các công việc tự động hóa.

Tiện lợi hơn, năng xuất cao hơn, giá thành rẻ hơn, ... robot không biết mệt, không đòi hỏi quyền lợi, không biết đình công bãi thị…

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã giúp cho trí tuệ nhân tạo phát triển với vận tốc của máy tính trong khi khả năng thích ứng của giới quản lý kinh tế, xã hội, giáo dục, ... còn theo vận tốc của máy hơi nước của thế kỷ thứ XIX.

Tôi muốn kể lại câu chuyện thực tế “mắt thấy tai nghe“ ở Bỉ, khi tôi đi mua thuốc, dược sĩ hay người bán thuốc, cho máy tính “đọc” - scan - toa thuốc, rồi món thuốc được sàng lọc và rơi vào khe nhỏ từ chỗ trữ tới quầy tiếp khách hàng nơi tôi đứng – vì cả hệ thống trữ thuốc đã được sắp xếp một cách tự động – Tất cả chỉ cần 12 giây. Đấy là hệ quả “nhìn thấy được” của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Chỉ vài năm nữa, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc vào máy tính và số thuốc sẽ được chuẩn bị sẵn cho bệnh nhân ở nhà thuốc mà bệnh nhân đã chọn.

Nguồn: Dân trí

Số lượt đọc: 4561

Về trang trước Về đầu trang