Hợp tác quốc tế
FPT hợp tác đào tạo nhân lực công nghệ cao với các trường đại học (03/11/2017)
-   +   A-   A+   In  
Chiều 31/10, Tập đoàn FPT, Đại học (ĐH) Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Công nghệ Sydney (UTS) đã chính thức ký thỏa thuận hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao.

Theo đó, ba bên thống nhất sẽ tổ chức các chương trình đào tạo, trao đổi sinh viên, nhân viên, trao đổi thông tin... để phục vụ các mục đích nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và phát triển chung; tiến hành các hoạt động nghiên cứu và đào tạo sau đại học trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
 
Trước mắt, các bên sẽ hợp tác trong chương trình trao đổi, cấp học bổng đào tạo tiến sỹ lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Internat vạn vật (IoT). FPT sẽ trao 3 suất học bổng tiến sỹ trị giá 700 triệu đồng/suất. ĐH Công nghệ và UTS sẽ đảm nhận việc xét tuyển nghiên cứu sinh, trực tiếp đào tạo và cấp bằng.
 

Ông Bùi Quang Ngọc (thứ ba từ phải sang) ký kết hợp tác với đại diện các trường đại học. Ảnh: Châu Long

Ông Bùi Quang Ngọc (thứ ba từ phải sang) ký kết hợp tác với đại diện các trường đại học. Ảnh: Châu Long
Điều kiện chọn nghiên cứu sinh là: Thạc sỹ xuất sắc, đạt loại giỏi và khá trở lên, đã có các bài báo, nghiên cứu công bố quốc tế, trình độ ngoại ngữ tốt, tư duy mạch lạc. Các nghiên cứu sinh được làm việc với đội ngũ cán bộ hướng dẫn là chuyên gia của UTS và FPT. Các nghiên cứu sinh được FPT cấp học bổng sẽ nhận 3 năm lương, trong đó năm thứ nhất 15 triệu đồng/tháng, các năm sau được tăng lên tùy thuộc vào chất lượng nghiên cứu. Các nghiên cứu sinh cũng sẽ được sang thực tập 12 tháng tại UTS.
 
Tiến sỹ Bùi Quang Ngọc - Tổng Giám đốc FPT - cho biết, FPT mong muốn cung cấp cho các nghiên cứu sinh những bài học thực tiễn, có tính ứng dụng cao. FPT cũng chính là môi trường nghiên cứu thực tế, có đội ngũ chuyên gia công nghệ hàng đầu đồng hành và cung cấp các thiết bị cần thiết cho nghiên cứu sinh trong suốt quá trình nghiên cứu.
 
"Chúng tôi kỳ vọng, thông qua việc hợp tác với các trường đại học, Việt Nam sẽ có những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ mới như AI, IoT, phục vụ sự phát triển trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư”- ông Ngọc nói.
 
PGS-TS Phạm Bảo Sơn - Phó Hiệu trưởng ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội - đánh giá: "Đây là mô hình hợp tác được phát huy trên thế giới từ lâu, nhưng lại rất mới ở Việt Nam. Trong đó, trường ĐH và doanh nghiệp cùng nhau giải quyết các vấn đề công nghệ thực tiễn, kết hợp với đào tạo sau đại học trình độ cao. Đặc biệt, sự hợp tác này vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam, giữa hai trường ĐH công nghệ của hai nước với một tập đoàn đang từng bước vươn ra toàn cầu".

Nguồn: Khoa học và phát triển

Số lượt đọc: 3415

Về trang trước Về đầu trang