Tin KHCN trong nước
Techfest 2017 được tổ chức thành 6 "làng khởi nghiệp" (03/11/2017)
-   +   A-   A+   In  
Mục tiêu của Techfest 2017 là thu hút sự tham gia của từ 4.000 đến 4.500 người, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, 130 nhà đầu tư và quỹ đầu tư quốc tế, 80 doanh nghiệp cùng các tập đoàn kinh tế lớn và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và được tổ chức với 6 "làng khởi nghiệp".

Thông tin được đưa ra tại buổi họp báo công bố sự kiện "Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2017" (Techfest 2017) do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 31/10/2017. Theo đó Techfest 2017 dự kiến diễn ra trong 2 ngày 14 và 15/11/2017 tại Khách sạn Grand Plaza (Hà Nội). 

Buổi họp báo được điều hành bởi Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cùng sự tham gia của đại diện các làng khởi nghiệp, doanh nghiệp và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp. Tại buổi họp báo, nhiều thông tin xung quanh việc xây dựng cơ chế chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã được chia sẻ.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đặc biệt nhấn mạnh những điểm mới tại Techfest năm nay.

Điểm mới nhất được Thứ trưởng nhắc tới đó là việc chính thức ra mắt cổng thông tin kết nối vào đúng dịp diễn ra Techfest 2017. "Cổng thông tin là môi trường tạo sự kết nối giữa các cơ quan làm chính sách, giữa các bộ ngành địa phương, trung tâm ươm tạo khởi nghiệp, nhà đầu tư và những người làm khởi nghiệp với nhau. Đây là một dấu ấn của Techfest 2017” - Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh và cho rằng tại đây công bố công khai số liệu các kết quả kết nối trong suốt thời gian qua. 

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, cổng thông tin cũng có toàn bộ cơ sở dữ liệu trong và ngoài nước, các công nghệ đã được chuyển giao ở Việt Nam. Qua đó những người làm khởi nghiệp quan tâm có thể tìm kiếm trung tâm ươm tạo ở đâu, có những quỹ hỗ trợ nào, nhà đầu tư nào đang ở Việt Nam… để tìm hiểu và kết nối. Cùng với đó các thủ tục hành chính, khuôn khổ chính sách, hướng dẫn làm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng được giới thiệu chi tiết.

"Cổng thông tin kết nối này hy vọng cung cấp thông tin đầy đủ cần thiết cho các đối tượng của hệ sinh thái khởi nghiệp” - Thứ trưởng kỳ vọng.

Bên cạnh đó, việc chia từng lĩnh vực theo nhóm cũng được xem là điểm sáng tạo, tận dụng hiệu quả thời gian diễn ra Techfest 2017. Có 6 lĩnh vực cụ thể dành cho các Làng khởi nghiệp, gồm có: Làng các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Community village); Làng Công nghệ nông nghiệp (AgriTech village); Làng Công nghệ giáo dục (EdTech village); Làng Công nghệ Y tế (MedTech village); Làng Công nghệ du lịch và ẩm thực (Tourism and Food & Beverage village); Làng Công nghệ tiềm năng (Emerging Tech village) và Công nghệ tiên phong (Frontier and FinTech).

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, việc chia các lĩnh vực với các hội đồng chuyên môn từng lĩnh vực là để giúp tư vấn cho những người làm khởi nghiệp và kể cả các nhà đầu tư cũng nhanh chóng gặp được các nhà khởi nghiệp. Nhà đầu tư sẽ thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm những "hạt giống" tốt để bỏ tiền vào đó.

Liên quan đến việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, tại buổi họp báo nhiều ý kiến đánh giá cao nỗ lực của Bộ KH&CN trong suốt thời gian qua.

Nếu như trước năm 2013, khi nhắc đến khái niệm startup, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một thứ xa lạ, thì đến nay Việt Nam đã có nhiều bước tiến đáng ghi nhận.

Đã có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gặt hái được thành công. “Việt Nam được đánh giá rất cao trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là sự nỗ lực rất lớn trong đó có sự đóng góp của Bộ KH&CN” - bà Thạch Lê Anh - Chủ nhiệm Đề án Việt Nam Silicon Valley (VSV) đánh giá.

Thứ trưởng cũng cho biết thêm, để thực hiện Quyết định 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, thông qua hoạt động của Ban chỉ đạo Đề án 844, Bộ KH&CN đã thể hiện được vai trò của mình trong việc tổ chức “kết nối hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước và các tổ chức chính trị xã hội, hiệp hội nghề nghiệp”.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KH&CN là cơ quan chủ trì Đề án 844 - vai tổng chỉ huy để cùng với các thành viên Ban chỉ đạo là đại diện lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, hiệp hội… thống nhất cách triển khai để không có sự chồng chéo trong việc xây dựng hệ sinh thái và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Từ năm 2016, Đề án 844 bắt đầu triển khai. TS Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN - Bộ KH&CN cho biết, trong đợt gọi dự án đầu tiên năm 2017 đã có 67 hồ sơ nhưng chọn được 14 hồ sơ tốt nhất để triển khai thí điểm. 

Ông Phạm Hồng Quất cho biết, các dự án này chủ yếu tập trung đi vào hướng đào tạo nâng cao năng lực của các tổ chức đi hỗ trợ khởi nghiệp, nâng cao nhận thức của các nhà đầu tư. Ngoài ra có một số dự án liên quan đến xây dựng chính sách đầu tư, một số nhiệm vụ thúc đẩy liên kết vùng trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 

Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) là sự kiện thường niên do Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội. Đây là sự kiện quốc gia có quy mô quốc tế, là nơi quy tụ cộng đồng khởi nghiệp, hỗ trợ, đầu tư cho khởi nghiệp trong và ngoài nước, qua đó quảng bá hình ảnh của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Đây cũng là nơi kết nối các hoạt động về khởi nghiệp đang diễn ra trong cả nước,để các tổ chức, cá nhân đầu tư và các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tìm đến nhau thông qua các hoạt động kết nối đầu tư được tổ chức trước, trong và sau sự kiện. Đặc biệt, đây còn là nơi để các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa đã có những thành công nhất định trên thị trường có thể tìm thấy những giải pháp sáng tạo từ các startup.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 4672

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Bộ KH&CN giải đáp cho doanh nghiệp về hiệu lực Giấy chứng nhận hợp quy (22/10/2018)
  • Hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ bảo quản trên tàu khai thác xa bờ và tàu hậu cần thuỷ sản của tỉnh BR-VT (22/10/2018)
  • Công nghệ chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu còn lại trong công nghiệp chế biến cá (19/10/2018)
  • Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN không chính thức lần thứ 10 (IAMMST-10) (19/10/2018)
  • Giải pháp ứng dụng công nghệ thủy phân đối với nguyên liệu cá tạp và triển vọng ứng dụng (18/10/2018)
  • Giải pháp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm surimi và sản phẩm mô phỏng từ surimi trong quá trình chế biến và bảo quản tại các nhà máy chế biến surimi trên địa bàn tỉnh (18/10/2018)
  • Ứng dụng kỹ thuật sấy bằng bơm nhiệt (heat pump) để cải thiện chất lượng và tiết kiệm năng lượng cho quá trình sản xuất các sản phẩm khô thủy sản (18/10/2018)
  • Những giải pháp công nghệ mới trong sản xuất chitin, chitosan từ phế liệu của các nhà máy chế biến (tôm, mực, ghẹ, …) trên địa bàn tỉnh BR-VT (18/10/2018)
  • Công nghệ sản xuất collagen, gelatine từ nguyên liệu còn lại của nhà máy chế biến thủy sản (xương, da, vây, vẩy) và khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)
  • Ứng dụng công nghệ trong thu hồi protein từ nước rửa trong quá trình sản xuất surimi, chả cá tại các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)