Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Lợi ích lớn từ thực hiện hợp tác công-tư cho đổi mới sáng tạo (25/10/2017)
-   +   A-   A+   In  
Dựa trên những bài học rút ra từ các nghiên cứu điển hình tại bốn quốc gia - Úc, Áo, Pháp và Hà Lan - OECD đã chỉ ra hợp tác công-tư (PPP) là một công cụ hữu ích để thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và xây dựng các mạng lưới đổi mới trong các lĩnh vực nghiên cứu đa ngành mới.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng xác định những ích lợi rộng lớn hơn của PPP đối với đổi mới sáng tạo được liệt kê dưới đây: 
• Bổ sung đầu vào và đầu ra. Thỏa thuận chia sẻ chi phí và sự lãnh đạo của ngành công nghiệp trong PPP chuyển thành tác dụng đòn bẩy cao từ sự hỗ trợ công cho R&D và đổi mới doanh nghiệp.
• Bổ sung hành vi. PPP có tác động lâu dài đến hành vi của các nhà nghiên cứu công và tư nhân, góp phần xây dựng niềm tin và các mạng lưới cá nhân tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác chính thức và không chính thức.
• Cải thiện mua sắm R&D. PPP có thể là một cách hiệu quả hơn so với hợp đồng R&D để huy động các nguồn lực tài chính và năng lực tư nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ của chính phủ (ví dụ như trong các lĩnh vực y tế và môi trường) khi sự đóng góp của các tổ chức nghiên cứu công là chìa khóa để thành công.
• Mở ra các con đường lan tỏa thương mại mới từ nghiên cứu công. PPP mang lại cho doanh nghiệp tham gia khả năng tiếp cận dễ dàng hơn đến các kết quả nghiên cứu công, và tạo điều kiện cho sự sáng lập các công ty công nghệ mới, đặc biệt là các công ty phái sinh (spin-off) từ nghiên cứu công, cũng như sự luân chuyển nguồn nhân lực giữa khu vực công và tư.
• Liên kết các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) với nghiên cứu khoa học. PPP có thể đóng vai trò kết nối hiệu quả các tổ chức để thiết lập các mối tiếp xúc giữa các SME và các trường đại học hay các cơ quan nghiên cứu.
• Cải thiện sự phối hợp liên bộ về các vấn đề đổi mới. PPP có thể mang đến các cơ hội và khuyến khích để nâng cao sự phối hợp liên bộ, nhưng sự thiết kế và vận hành các dự án PPP có thể bị ảnh hưởng từ sự cạnh tranh liên Bộ.
• Tăng cường phối hợp giữa các hệ thống đổi mới trong khu vực. Các chương trình PPP quốc gia có thể củng cố sự hợp tác giữa các cụm đổi mới sáng tạo địa phương khác nhau để đảm bảo khối lượng tới hạn và khai thác tốt hơn tính bổ sung.

Xem xét PPP cho đổi mới nông nghiệp ở châu Mỹ Latinh, Hartwich (2005 và 2007) đã xác định các lợi ích cá nhân và xã hội được kỳ vọng từ đổi mới nông nghiệp và từ cách tiếp cận PPP đối với đổi mới. Một số trong đó có tính phổ biến chung, trong khi những lợi ích khác mang đặc tính cụ thể hơn với bối cảnh quốc gia đang phát triển.

Khảo sát của FAO về dự án PPP để phát triển nông nghiệp bền vững ở 15 quốc gia đã xác định các vai trò tương ứng của các tác nhân thuộc khu vực công và tư nhân và những lợi ích chủ yếu họ đạt được từ mối quan hệ hợp tác (FAO, 2015). Về tổng thể, hơn một nửa số PPP là để phát triển chuỗi giá trị và gần một phần tư cho đổi mới và chuyển giao công nghệ. Các đối tác công chịu trách nhiệm chính trong việc xác định những lợi ích công cộng cần đạt được thông qua việc tiến hành các dự án PPP và xác định các vấn đề ưu tiên phù hợp với các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia. Họ cũng có trách nhiệm tạo ra môi trường thuận lợi cho PPP nông nghiệp thông qua hỗ trợ cơ sở hạ tầng nông thôn, các biện pháp khuyến khích tài chính cho các doanh nghiệp tham gia và các quy định để bảo vệ các khía cạnh quan trọng như quyền sử dụng đất và sở hữu trí tuệ. Các đối tác tư nhân nói chung thường đi đầu trong việc thực hiện các dự án trong dân chúng (on the ground) bằng cách đảm bảo tài chính và thị trường cho các mặt hàng nông sản đổi mới có giá trị gia tăng. Vai trò của các tổ chức NGO xoay quanh việc bảo đảm lôi kéo sự tham gia của các nông hộ nhỏ và SME, tổ chức các nhà sản xuất thành các nhóm để giảm chi phí giao dịch và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật. Các nhà sản xuất vừa là các đối tượng hưởng lợi từ dự án PPP (nghĩa là những người thông qua đổi mới) vừa là các đối tác tư nhân thông qua vai trò của họ là nhà cung cấp nguyên liệu.

Đối với khu vực công, lợi ích từ hợp tác công tư bao gồm tiềm năng thúc đẩy đầu tư, tiếp cận công nghệ mới và nâng cao kỹ năng quản lý (kỹ năng mềm). Đối với khu vực tư nhân, các doanh nghiệp có thể gia nhập các thị trường mới với rủi ro thấp hơn, tiếp cận nguồn tài nguyên di truyền địa phương và thử nghiệm công nghệ mới với sự bảo hộ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ.

 

Một số thách thức khi thực hiện PPP
Lợi ích tiềm năng của các dự án PPP đối với đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm giải thích tại sao chúng ngày càng được sử dụng nhiều ở các cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu. Tuy nhiên chúng cũng đặt ra những thách thức cụ thể về lựa chọn chính sách, quản lý và thực hiện.

Thách thức chính đối với PPP đó là xác định khi nào thì chúng là cách tiếp cận chính sách tốt hơn đối với chính phủ, và xác định rõ ràng từng vai trò riêng của khu vực công và tư nhân để có thể tránh bóp méo thị trường. Ngược lại, chính phủ cũng cần xác định khi nào thì các dự án PPP là không thể hoặc không mong muốn.

Ngoài ra còn có một số hạn chế: Ví dụ, khi cân nhắc các dự án PPP cho nghiên cứu và đổi mới, những khó khăn liên quan đến việc theo đuổi lợi ích chung thông qua các mạng lưới doanh nghiệp tư nhân đã được ghi nhận trong các tài liệu. Việc đáp ứng các lợi ích khác nhau (nông dân muốn có giải pháp để tăng thu nhập của họ, các nhà nghiên cứu cần chủ đề mới cho công việc nghiên cứu, và các công ty tư nhân thì cần một công nghệ tạo ra doanh thu) có thể dẫn đến việc loại trừ các phương án hiệu quả hơn, đặc biệt là từ quan điểm môi trường.

Theo Ngân hàng Thế giới, trong khi sự hợp tác được cho là sẽ giúp đạt được lợi ích về hiệu quả, huy động được nguồn lực và đầu tư, phát triển các giải pháp sáng tạo và giảm thiểu rủi ro, việc thực hiện PPP cũng mang đến một số thách thức cho các nhà hoạch định chính sách, như:
• Chúng làm mờ ranh giới giữa vai trò nhà nước và tư nhân, và có nguy cơ gây bóp méo thị trường nếu vai trò của các đối tác nhà nước và tư nhân không được làm sáng tỏ, kể cả kinh phí công trợ cấp cho lợi ích tư nhân.
• Chúng yêu cầu các tổ chức công thích hợp và sự chuẩn bị về mặt pháp lý, và không bù trừ cho sự thiếu năng lực của chính phủ.
• Để đảm bảo tính bền vững, mối quan tâm của các đối tác tư nhân nhằm tạo ra doanh thu nên được xem như một nhân tố.
• Chúng có thể làm xói mòn năng lực nghiên cứu công trong việc theo đuổi các nghiên cứu cơ bản cần thiết cho lợi ích công cộng dài hạn.

Trong khi có thể làm rõ được tính đa dạng của hợp tác về độ lớn kinh tế, phạm vi khu vực, mục tiêu, lĩnh vực chuyên môn và văn hóa, nhưng nó cũng tạo ra những thách thức bổ sung về sự điều phối. Cơ chế quản lý mạnh mẽ là điều cần thiết để đảm bảo chi phí giao dịch và nguy cơ thất bại được giữ ở mức tối thiểu.

Bằng chứng từ các nghiên cứu trường hợp cho thấy, chi phí giao dịch trong tham gia hợp tác liên quan đến các chi phí đàm phán hợp tác; tài chính, quản trị, và các khía cạnh pháp lý của quan hệ đối tác; và việc tái phân bố lợi ích. Chi phí cũng phát sinh từ việc liên lạc trong quan hệ hợp tác, các cuộc họp để báo cáo tiến độ và thảo luận về các hành động bổ sung, giám sát các hoạt động, đánh giá các kết quả trung gian, và điều hành quan hệ đối tác.

Thách thức thực hiện còn nảy sinh từ sự khác biệt về mục tiêu, kỹ năng và văn hóa giữa các đối tác, và từ sự thiếu rõ ràng ở mục tiêu, nguồn lực, và sự chia sẻ chi phí, rủi ro và lợi ích. Đối với mục tiêu dài hạn như tính bền vững nói riêng, điều quan trọng là chính phủ cần hiểu được động cơ của các đối tác khác để có thể đưa ra sự chỉ đạo cân bằng và có tính quyết định cần thiết để duy trì một giới hạn (the cap), và để đảm bảo quyền lợi được thụ hưởng không chuyển hướng công quỹ cho lợi ích riêng mà gây bất lợi cho các đối tác khác trong nhóm. Quy định thể chế (và kiểm toán bên ngoài) có thể giúp bảo vệ chống lại sự tranh giành giữa những quyền lợi đặc biệt.

Một số vấn đề chung quan sát thấy trong quan hệ hợp tác công-tư phục vụ đổi mới nông nghiệp cho phát triển:
• Thủ tục quan liêu về phía khu vực công
• Phong cách làm việc và cơ cấu thưởng công khác nhau 
• Thiếu văn hóa kinh doanh trong khu vực công và kinh nghiệm làm việc trong môi trường thương mại còn hạn chế.
• Không có truyền thống hay kinh nghiệm làm việc với khu vực tư nhân hoặc thậm chí hợp tác nói chung
• Thiếu sự tin tưởng
• Các vấn đề Quyền sở hữu trí tuệ (IPR) phức tạp, đặc biệt là khi có nhiều đối tác công và tư nhân tham gia điều hành ở một số nước
• Kỹ năng đàm phán và sở hữu trí tuệ yếu trong khu vực công
• Khu vực tư nhân quan tâm rằng những thay đổi chính sách không thể dự đoán trước có thể ảnh hưởng đến các thỏa thuận hợp tác
• Sự phân tán tiềm lực khoa học công giữa các bộ khác nhau và các kênh thông tin còn yếu ngay cả trong khu vực công.
• PPP lôi cuốn sự tham gia của đối tác phương Bắc hợp tác với các đối tác nghiên cứu công tại các nước phương Nam thường không dẫn đến kết quả hữu ích do thất bại trong hợp tác với khu vực tư nhân địa phương.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 1472

Về trang trước Về đầu trang