Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Tận dụng cơ hội khởi nghiệp (18/10/2017)
-   +   A-   A+   In  
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cho các doanh nghiệp nhiều thách thức, nhưng cũng tạo cơ hội thúc đẩy sự phát triển sản phẩm công nghệ sáng tạo nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đời sống. Tại Việt Nam, hiện đã có rất nhiều start-up ra đời từ phong trào khởi nghiệp, tận dụng cơ hội mà Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại.

Hòa mình vào dòng chảy
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu mang tính đột phá trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ nano... Ở đó, có sự chuyển hóa thế giới thực thành thế giới số nhờ tận dụng các công nghệ có tính đột phá như internet vạn vật, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo...

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng, chính phủ của nhiều nước trên thế giới hết sức quan tâm đến cơ hội có được từ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đã lập ra chiến lược phát triển phù hợp trong giai đoạn mới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân đã chung tay tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 để đổi mới sáng tạo.

Có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã nắm bắt được xu thế này và tận dụng cơ hội từ đó. Sau gần một năm nghiên cứu, các kỹ sư của Lumi - Công ty của ba cựu thành viên Robocon thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đã tích hợp thành công công nghệ nhận dạng giọng nói của Amazon vào giải pháp nhà thông minh. Giám đốc kinh doanh của Công ty Lumi, ông Đỗ Hướng Dương cho biết, với giải pháp nhà thông minh điều khiển bằng giọng nói, công ty đã sẵn sàng tiến sâu hơn nữa vào thị trường nhà thông minh trên thế giới. Chỉ với một nút chạm qua điện thoại thông minh hay máy tính bảng có kết nối internet tới thiết bị điều khiển là Amazon Alexa, “trợ lý” đắc lực cho phép chủ nhân các ngôi nhà chỉ cần ra lệnh bằng giọng nói và mọi thiết bị sẽ “vâng lời”. Với Lumi, lần đầu tiên giải pháp nhà thông minh được giới thiệu tại Việt Nam.

Theo anh Lê Công Thành, Giám đốc Trung tâm Topica AI Lap, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghệ. Doanh nghiệp nào chủ động nắm bắt những công nghệ lõi, điển hình là trí tuệ nhân tạo và những công nghệ về vật liệu mới thì có thể đạt được thành công lớn. Tuy nhiên, cũng sẽ có đơn vị bị đào thải nếu không tiến kịp với xu hướng mới này. Bởi thế, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội vừa là thách thức cho các doanh nghiệp. Để bắt kịp với xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Tổ hợp giáo dục trực tuyến Topica đã tập trung ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào trong các sản phẩm giáo dục và truyền thông. Topica đang hỗ trợ một số cơ quan báo chí, các phóng viên trong việc sử dụng công cụ mới nhằm phân tích xu hướng, nhận biết sự quan tâm của các nhóm xã hội, trên cơ sở đó, các phóng viên hình thành ý tưởng, đưa ra dàn ý để xây dựng nội dung thông tin hấp dẫn và phù hợp hơn.

Chúng tôi đang tập trung mạnh vào trí tuệ nhân tạo và việc làm thế nào để máy tính có thể nghe, nói, đọc, viết, như con người. Đồng thời, chúng tôi phát triển công nghệ về thực tế ảo, mô hình hóa môi trường thực tế để người học có thể tương tác với nhau từ khoảng cách rất xa nhờ máy tính có thể nghe, nói, đọc, viết” - anh Lê Công Thành cho biết.

Sẵn sàng về mọi mặt
Bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là tận dụng kết quả khoa học và công nghệ, tích hợp tri thức của loài người vào tất cả các trang thiết bị, các phương án sản xuất và dịch vụ xã hội. "Điều đó sẽ làm thay đổi cách thức sản xuất hiện nay, tạo ra giá trị gia tăng. Đó là một quá trình có nhiều thách thức, nhưng cũng tạo ra thời cơ mới cho toàn thế giới”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhận định.

Nói về những thách thức, ông Đỗ Hướng Dương chia sẻ: "Bắt đầu khởi nghiệp hay bắt đầu với một dự án, đặc biệt là với dự án về nhà thông minh, rất cần một đội ngũ được đào tạo bài bản. Lumi cũng tìm cách huy động nguồn vốn nhờ sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành hay sự tham gia của các cổ đông để có sự chuẩn bị tốt nhất. Chúng tôi xác định, khi bước chân vào khởi nghiệp có nghĩa đã phải chuẩn bị các nguồn lực để sẵn sàng cho cuộc đua công nghệ".

Ngoài nhân sự và nguồn vốn, các doanh nghiệp cần xác định hướng đi thích hợp. Anh Lê Công Thành, Giám đốc Trung tâm Topica AI Lap nhấn mạnh tới việc cần có cách tiếp cận khác biệt và khả thi: "Chúng tôi nhận ra được một trong những lợi điểm lớn nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, vì thế, chúng tôi tập trung mạnh vào lĩnh vực này".

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm vụ tạo ra hạ tầng công nghệ thông tin; Bộ KH&CN xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng nguồn nhân lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Rõ ràng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể tạo ra bước phát triển đột phá cho nhiều doanh nghiệp, giúp tăng năng suất lao động, giải phóng sức lao động nhưng cũng có thể khiến nhiều doanh nghiệp khác đối mặt với nguy cơ "lụi bại", lấy đi cơ hội việc làm của nhiều người. Đó là điều cần được quan tâm, chủ động chuẩn bị giải pháp ứng phó

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Số lượt đọc: 1165

Về trang trước Về đầu trang