Tiêu chuẩn ĐLCL
Vai trò của Đo lường 4.0 trong việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, tăng tính tự động hóa và bảo vệ môi trường (31/08/2017)
-   +   A-   A+   In  

Trên thế giới, đo lường ứng dụng ngày càng phát triển, kỹ thuật đo lường trở thành một ngành công nghệ cao, nó có mặt ở khắp mọi nơi, ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đời sống xã hội. Đo lường 4.0 trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là quá trình đo lường hoàn toàn sử dụng tất cả các nguồn lực số hóa như thiết bị, hệ thống lưu trữ và các nguồn lực khác phục vụ quá trình sản xuất. Thông qua công cụ đo lường thông minh và công nghệ cảm biến, người ta có thể thu thập được nhiều dữ liệu đo liên tục không giới hạn theo thời gian thực.

Đo lường 4.0 đóng vai trò quan trọng trong thiết kế và là cầu nối trong sản xuất thông minh. Nhà máy trong tương lai sẽ thông minh và cực kỳ hiệu quả với thiết kế và sản xuất được tích hợp vào dây chuyền sản xuất tối ưu, cung cấp sản phẩm theo các yêu cầu của thời gian thực. Đo lường sẽ cho phép chúng ta đạt được điều này bằng cách đánh giá sự phù hợp, hiệu suất và tính năng của mỗi bộ phận của sản phẩm cuối cùng. Nó sẽ nối kết nghiên cứu và phát triển (R&D) với sản xuất thông qua một quá trình duy nhất có mức tiêu thụ năng lượng thấp và giảm tác động môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm chế tạo và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Ví dụ: Các thiết bị đo kết nối với môi trường hoạt động của chúng với thời gian thực thông qua việc sử dụng các cảm biến, điều khiển các thông số đo lường như nhiệt độ và áp suất, thông số, dữ liệu đo được tích hợp qua mạng thông tin toàn cầu liên tục, đo và hiệu chỉnh liên tục... thực hiện điều này có thể thông qua các công nghệ tiên tiến, phần mềm và công nghệ thông tin cùng với sự phát triển của lượng tử mới, cảm biến sinh học và công nghệ nano. Đo lường 4.0 sẽ kết nối một số lượng lớn các cảm biến khác nhau, tích hợp dữ liệu từ các hệ thống khác nhau vào một mạng đo lường thông minh, đảm bảo hiệu chuẩn được duy trì liên tục.

Hiện tại ở Việt Nam, đo lường 4.0 mới bắt đầu với xu hướng phương tiện đo thông minh (smart meters), phục vụ cho việc xây dựng căn hộ thông minh và thành phố thông minh trong tương lai. Công nghệ phương tiện đo thông minh đã tích hợp trích xuất và truyền dữ liệu không dây hiện được áp dụng cho công tơ điện, cột đo xăng dầu, hệ thống giám sát hành trình xe khách, hệ thống quan trắc môi trường tự động v.v… Tuy vậy, phần lớn phương tiện đo sản xuất tại Việt Nam còn thô sơ do con người trực tiếp vận hành chưa tiếp cận được Đo lường 4.0. Nhiều công nghệ nền tảng cho Đo lường 4.0 như công nghệ vật liệu và công nghệ sensor phụ thuộc nhiều vào các nước có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến hơn.Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tưởng Chính phủ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã và đang triển khai xây dựng Đề án tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm phát triển cơ sở vật chất đo lường cho các doanh nghiệp trong nước, tiếp cận với Đo lường trong CMCN 4.0.

Nguồn: tcvn.gov.vn

Số lượt đọc: 4103

Về trang trước Về đầu trang