Tin KHCN trong nước
Smart Media Platform: Giải pháp chống vi phạm bản quyền trên Internet (30/08/2017)
-   +   A-   A+   In  
Các cuộc tranh chấp trong nội dung số đang trở nên ngày càng phức tạp và cần nhiều hơn nữa những giải pháp công nghệ chống vi phạm bản quyền nội dung trên truyền hình cũng như môi trường Internet.

Mô hình Smart Media Platform

 

Hành động ngay khi chưa muộn!

Một thực tế cho thấy các nội dung số đều là những nội dung rất dễ bị sao chép và phát tán trái phép. Điều này dẫn tới cuộc chiến bản quyền trong lĩnh vực nội dung số đang ngày càng gay gắt và gây áp lực rất lớn cho pháp luật các nước trong việc xử lý vi phạm cũng như giải quyết các phát sinh trong mối quan hệ giữa bên sở hữu nội dung và bên vi phạm.

Khách hàng luôn mong muốn được thưởng thức nội dung yêu thích ở bất cứ định dạng nào, xem ở bất kỳ thời điểm nào và trên mọi thiết bị với chất lượng tốt nhất và giá hợp lý.  Cũng từ nhu cầu này, kết hợp với sự phát triển hạ tầng truyền dẫn và thiết bị di động thông minh, một trào lưu nội dung tự sản xuất, tự biên tập đã xuất hiện. Chỉ cần một chiếc điện thoại di động thì một cá nhân có thể trở thành một “đài truyền hình” trong không gian mạng. Tuy nhiên, việc phát triển tự phát này đã khiến việc cung cấp nội dung và dịch vụ số tại Việt Nam rơi vào tình trạng mất kiểm soát về kiểm duyệt nội dung độc hại. Trên thực tế, nhiều nội dung này đang vô tình hay cố ý được chuyển tải đến một lượng rất lớn người dùng mạng xã hội, thông qua các hạ tầng mà Nhà nước rất khó kiểm soát như những trang web lậu, YouTube, Facebook, các ứng dụng xem truyền hình, xem phim trên Google Play, Apple Store…

Trên phương diện kinh doanh thì người cung cấp nội dung của Việt Nam chỉ thu được một phần rất nhỏ doanh thu từ bán quảng cáo, tính trung bình nội dung được đưa lên từ Việt Nam chỉ nhận được chia sẻ quảng cáo bằng 1/10 so với nội dung tương đồng ở Mỹ. Theo số liệu của Hiệp hội Truyền hình trả tiền năm 2017, so với các nước trong khu vực, Việt Nam đang là nước có mức doanh thu bình quân (ARPU) trên một thuê bao truyền hình trả tiền ở mức thấp nhất trong khu vực, khoảng 3 USD, trong khi Thái Lan 12 USD, Malaysia 16 USD, Indonesia 14 USD. Vấn đề vi phạm bản quyền cũng đã đẩy các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phải lao vào cuộc đua giảm giá và hiện trạng đã nhiều đơn vị phá sản/hoặc ngừng cung cấp dịch vụ. Tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực truyền hình, vi phạm bản quyền nội dung trên Internet không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng tới doanh thu mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu của các đài truyền hình, cũng như các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước.

Thực tế, sự xâm lấn của các ứng dụng cung cấp nội dung OTT xuyên biên giới, rồi sự phát triển của các hệ sinh thái dịch vụ toàn cầu đe dọa tương lai của ngành dịch vụ nội dung số đang trên đà phát triển đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam, bởi nếu bản quyền doanh thu lợi nhuận cho doanh nghiệp dung không bảo đảm và nội dung quảng cáo không được kiểm soát thì doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất nội dung và kinh doanh lĩnh vực truyền hình trả tiền sẽ không đủ để bù đắp chi phí. Hệ quả, chính người dùng sẽ không được tiếp cận những nguồn nội dung chất lượng cao và chính thống. Đã đến lúc các đài truyền hình trong nước, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, đại diện nhóm các chủ sở hữu bản quyền tại Việt Nam, đại diện các tổ hợp truyền thông quảng cáo cần phải hợp sức tìm ra một giải pháp đột phá ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền nội dung truyền hình trên Intenet, mở ra lối thoát cho sự phát triển của ngành dịch vụ nội dung số Việt Nam.

Cần một hệ sinh thái đẩy lùi “virus” vi phạm bản quyền

Giải pháp đột phá sẽ đến từ sự chung sức của các doanh nghiệp, đơn vị đang hoạt động dịch vụ nội dung và truyền hình trả tiền: Cùng cam kết xây dựng và sử dụng một giải pháp của Việt Nam với các tính năng như YouTube để tạo ra một hệ sinh thái nội dung trên Internet của người Việt, do người Việt xây dựng và chính người Việt quản lý. Việc xây dựng giải pháp có thể giao cho một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về viễn thông và công nghệ thông tin như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Sở hữu một hạ tầng mạng băng rộng và siêu rộng cho cả di động và cố định, VNPT đủ khả năng phát triển các hệ sinh thái thông minh trong việc cung cấp và phân phối, chia sẻ nội dung, kết hợp bán quảng cáo, phân tích dữ liệu khách hàng lớn (Big data), kết nối hệ thống thanh toán và triển khai cung cấp dịch vụ đồng thời cho hàng chục triệu khách hàng sẵn có. Với một hệ thống như vậy thì các nhà sản xuất có thể cung cấp nội dung lên đó, không chỉ thực hiện được quá trình kinh doanh mà còn bảo vệ bản quyền và cơ quan quản lý Nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát được các nội dung được cung cấp bởi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trên hệ thống do Việt Nam làm chủ. 

Đây cũng chính là giải pháp Smart Media Platform được ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media) chia sẻ tại hội thảo "Bảo vệ bản quyền nội dung truyền hình trên Internet Việt Nam - quyết tâm và giải pháp" do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức mới đây.

Mô hình Smart Media Platform là một hướng triển khai theo xu hướng toàn cầu và lợi ích đem lại không chỉ cho các doanh nghiệp truyền hình, sản xuất nội dung mà các đơn vị cung cấp dịch vụ hay các nhà mạng tại Việt Nam, các doanh nghiệp quảng cáo, doanh nghiệp thương mại điện tử cũng sẽ dễ dàng kết nối vào hệ thống để triển khai kinh doanh. Smart Media Platform không chỉ là một nền tảng tập trung đáp ứng tối đa theo các yêu cầu phân phối nội dung đa nền tảng đa màn hình, mà còn bảo đảm thực thi được các nhu cầu về quản lý Nhà nước, bảo vệ dữ liệu và bản quyền với các tính năng mã hoá và bảo mật dữ liệu… Giải pháp này còn giúp tránh lãng phí tài nguyên quốc gia và doanh nghiệp khi tập trung hạ tầng chung thay vì phát triển riêng lẻ, đồng thời các nhà mạng sẽ giảm được chi phí hàng trăm tỷ trong việc thuê băng thông kết nối ra nước ngoài, doanh thu dịch vụ hosting trong nước cũng nhờ đó mà tăng lên đáng kể

Với mục tiêu đồng lòng, hợp tác phát triển, hy vọng sẽ có những liên kết sớm được hình thành để tạo ra các lợi ích cho doanh nghiệp nội dung, doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng, người tiêu dùng được thưởng thức các nội dung chất lượng cao và bảo vệ được lợi ích quốc gia trên mọi phương diện thuộc lĩnh vực này.

Nguồn: baochinhphu.vn

Số lượt đọc: 5068

Về trang trước Về đầu trang