Tin KHCN trong nước
Doanh nghiệp có thuận lợi gì khi Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi có hiệu lực? (14/07/2017)
-   +   A-   A+   In  
Nhằm khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, hạn chế chuyển giao công nghệ, thiết bị lạc hậu vào trong nước, Bộ KH&CN vừa công bố Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi với nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.

 Doanh nghiệp có thuận lợi gì khi Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi có hiệu lực? - ảnh 1

Dây chuyền chế tạo máy biến thế của THIBIDI. 

Nhờ không ngừng cải tiến, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, đồng bộ được nhập từ các nước tiên tiến trên thế giới, Công ty Thiết bị điện THIBIDI (Đồng Nai) đã nâng cao được năng lực thiết kế, chế tạo. Đặc biệt, đã cung ứng cho khách hàng trong và ngoài nước các sản phẩm có chất lượng tốt như: Máy biến áp 1 pha, 3 pha và máy biến áp trung gian các loại, công suất từ 10 KVA đên10.000KVA, điện áp đến 35KV. Các sản phẩm của công ty đã vươn xa xuất khẩu trong khu vực và chiếm hơn 45% tại thị phần Campuchia. Vừa qua, doanh nghiệp này đã đạt giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương 2016 nhờ luôn đạt năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt.

Theo ông Phạm Ông Phạm Ngọc Bích - Phó Tổng giám đốc THIBIDI, một trong những công nghệ mới điển hình gần đây mà THIBIDI áp dụng thành công là phát triển máy biến áp hiệu suất cao sử dụng thép vô định hình (Amorphous), giảm tổn thất không tải đến hơn 70% và giảm khí thải CO2 bảo vệ môi trường.

Máy biến áp hiệu suất cao sử dụng thép vô định hình được cuốn từ những hợp kim có cấu trúc nguyên tử không theo quy luật. Bằng phương pháp làm nguội nhanh kim loại nóng chảy, ngăn không cho kim loại kết tinh và thu được kim loại rắn dạng thủy tinh có cấu trúc dạng các giải mỏng - một loại vật liệu tiết kiệm năng lượng hoàn hảo thay thế cho tôn cán lạnh định hướng. Nếu một máy biến áp sử dụng lõi tôn silic truyền thống tiêu thụ cho điện năng không tải một năm mất 8.935 KWh thì máy Amorphous chỉ tiêu tốn 2.014 KWh. Tính theo giá thành hiện nay thì mỗi năm tiết kiệm được khoảng 14 triệu đồng/máy. Đặc biệt, máy có thể giảm tổn hao không tải xuống tới 75% so với sản phẩm truyền thống. Nhiệt độ của Amorphous cũng thấp hơn, giảm đáng kể lượng khí thải CO2 ra môi trường, góp phần tiết kiệm năng lượng điện, bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhờ áp dụng những công nghệ mới, doanh thu của THIBIDI liên tục tăng trưởng qua các năm. Năm 2016, THIBIDI tiếp tục tăng trưởng hơn 25%, đạt doanh thu hơn 2.500 tỷ đồng, chiếm hơn 70% thị phần tại miền Nam và miền Trung, xuất khẩu đạt 45% thị phần tại Campuchia.

Hay như công ty Cổ phần thực phẩm Minh Dương (Hoài Đức, Hà Nội), từ một doanh nghiệp với số vốn hạn hẹp ban đầu, qua nhiều năm mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng máy móc thiết bị, đến nay công ty đã nâng sản lượng các mặt hàng truyền thống lên đáng kể, chiếm thị phần lớn trên thị trường, đặc biệt là mạch nha chiếm tới 90% thị phần miền Bắc. Nhờ vậy, doanh nghiệp này cũng đã nhiều năm đạt giải Vàng Giải thưởng Chất lượng quốc gia.

Việc đổi mới công nghệ, tiếp nhận các công nghệ mới là một biện pháp giúp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm cho các doanh nghiệp. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã tích cực đổi mới công nghệ, chuyển giao và đưa nhiều dây chuyền tiên tiến hiện đại vào sản xuất. Tuy nhiên cũng có nhiều doanh nghiệp chưa mấy chú trọng đến đổi mới công nghệ, vẫn tận dụng các công nghệ cũ, lạc hậu, vừa cho năng suất thấp, vừa gây ảnh hưởng đến môi trường.

Để nâng cao năng lực tiếp cận các công nghệ mới, trong Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi mà bộ KH&CN vừa ban hành, với tiêu chí coi doanh nghiệp là trung tâm, đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN): “Điểm mới của Luật Chuyển giao công nghệ 2017 là tạo cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ. Trong đó, quyền sở hữu các tài sản trí tuệ từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đối tượng sở hữu trí tuệ có thể được coi là tài sản bảo đảm cho giao dịch vay vốn đầu tư từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ và các tổ chức tín dụng”.

Thêm vào đó, doanh nghiệp được sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của mình. Quy định này giúp các doanh nghiệp, tập đoàn có thể mở rộng nội dung chi của quỹ nhằm tối ưu hóa việc sử dụng cũng như giải quyết vướng mắc về nội dung chi của quỹ cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Nam, đối với các doanh nghiệp có thành lập tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; doanh nghiệp đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật hoạt động giải mã công nghệ là các đối tượng được ưu tiên xem xét hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ lãi suất vay vốn từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và các tổ chức tín dụng khác.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 4594

Về trang trước Về đầu trang