Tin KHCN trong nước
Xây dựng Chiến lược Phát triển sở hữu trí tuệ quốc gia (22/06/2017)
-   +   A-   A+   In  

Chiến lược Phát triển sở hữu trí tuệ (SHTT) quốc gia dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2017; được kỳ vọng sẽ tạo đột phá hiệu quả cho hoạt động bảo vệ quyền SHTT.

Trong hai ngày 21 và 22/6/2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thảo luận các vấn đề xung quanh việc xây dựng Chiến lược phát triển SHTT quốc gia.
Theo Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí, trong thời gian qua Việt Nam đã xây dựng hệ thống thể chế tương đối hoàn thiện trong những vấn đề liên quan đến SHTT, gồm luật, nghị định, thông tư.
Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, SHTT đóng vai trò ngày càng quan trọng. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ KH&CN xây dựng Chiến lược Phát triển SHTT quốc gia. Chiến lược này đề ra mục tiêu, cách thức, giải pháp để góp phần phát triển kinh tế-xã hội nói chung và phục vụ cho lĩnh vực SHTT nói riêng.

Chiến lược Phát triển SHTT quốc gia gồm 3 nội dung chính: Quan điểm chỉ đạo và mục tiêu tổng quát của hệ thống SHTT; các mục tiêu chiến lược cụ thể đến năm 2030; các nhiệm vụ chiến lược.

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 gồm: Đưa hệ thống SHTT trở thành công cụ chủ lực thúc đẩy hoạt động sáng tạo, nhằm tạo ra tài sản trí tuệ, góp phần đáp ứng nhu cầu đối với sản phẩm mới và sáng tạo, đặc biệt là công nghệ nội sinh để phát triển các ngành công nghiệp.

Về nâng cao hiệu quả hoạt động xác lập quyền SHTT, sẽ nâng cấp hệ thống xác lập quyền SHTT, chủ yếu là quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng thành hệ thống dịch vụ hành chính công hiện đại và thân thiện với người sử dụng.

Về đột phá hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền SHTT, sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy và hoạt động bảo vệ quyền SHTT vận hành theo đúng bản chất của các cơ chế dân sự, hành chính, hình sự để đạt hiệu quả cao trong việc chống xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt là chống giả mạo về SHTT.

Về tăng cường khai thác tài sản trí tuệ, sẽ đưa tài sản trí tuệ trở thành một trong những nguồn lực quan trọng trong việc tăng trưởng của doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua việc thúc đẩy khai thác tài sản trí tuệ.
Đặc biệt, Chiến lược cũng đề ra nhiệm vụ cụ thể để thực hiện thông qua việc thực hiện các đề án, chương trình gồm: Đề án hoàn thiện chính sách pháp luật về SHTT để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đáp ứng nhu cầu hội nhập; Đề án phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp về SHTT; Đề án tăng cường năng lực khai thác thông tin công nghệ trong SHTT; Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; Đề án huy động các nguồn lực của xã hội phục vụ công tác quản lý nhà nước về SHTT theo hướng xã hội hóa một số dịch vụ.

Để xây dựng Chiến lược, vừa qua, Bộ KH&CN đã ký thỏa thuận hợp tác với WIPO về việc hỗ trợ về kĩ thuật. Các chuyên gia quốc tế và các chuyên gia của Việt Nam sẽ trao đổi các công việc cần triển khai để xây dựng Chiến lược thành công, gắn chiến lược SHTT với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và chiến lược phát triển KH&CN.

Theo ông Ye Min Than, chuyên gia cao cấp, Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, WIPO sẽ chia sẻ thêm kinh nghiệm của các nước đã thành công trong việc xây dựng chiến lược quốc gia để Việt Nam xây dựng Chiến lược phù hợp với bối cảnh. Một lộ trình phù hợp sẽ được xây dựng để cuối năm trình Chính phủ dự thảo Chiến lược.

Chiến lược Phát triển SHTT quốc gia sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn: 2018-2020, 2021-2025, 2026-2030.

Nguồn: vista.gov.vn

Số lượt đọc: 4931

Về trang trước Về đầu trang