Mục tiêu lâu dài của đề tài nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả của Chính phủ. Mục tiêu trước mắt là sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường đóng mới tàu thuyền phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Từ lâu các vật liệu nhẹ, có đặc điểm cơ học và những tính chất vật lý, hoá học phù hợp với điều kiện hoạt động trong môi trường nước biển đã là mối quan tâm của ngành đóng tàu thuyền. Ngoài những vật liệu truyền thống như hợp kim nhôm, gỗ, những vật liệu tương đối mới như composite và các loại nhựa tổng hợp đang dần dần thể hiện nhiều ưu thế. Nhựa PPC khi sử dụng cho các loại kết cấu tàu thuyền có nhiều ưu điểm vượt trội như có độ dai va đập tốt hơn và bền chắc hơn. Do được pha chế bằng các phụ gia đặc biệtnên vật liệu PPC bền vững đối với tia cực tím. Có khả năng kháng hoá chất và độ bền màu rất cao. Và đặc biệt PPC là vật liệu có khả năng sử dụng lại thông qua tái chế 100% và rất thân thiện với môi trường vì vật liệu không gây ra các chất độc hại với môi trường và sức khoẻ. Một trong những ưu thế của vật liệu PPC là khả năng sử dụng cả trong ngành công nghiệp thực phẩm và y tế. Ngoài ra tàu thuyền được chế tạo bằng nhựa PPC có tuổi thọ khá cao lên đến 30 năm và giảm 30% mức tiêu thụ nhiên liệu.
PPC là vật liệu sạch, không bị ăn mòn, không bị gỉ. Việc làm sạch chỉ đơn giản là dùng vòi nước cao áp và bàn chải để chùi sạch. Vật liệu PPC không bị các loài thuỷ sinh bám vào đáy và thân tàu thuyền vì vậy tiết kiệm được chi phí bảo dưỡng so với các vật liệu truyền thống như thép, gỗ… PPC còn là vật liệu nổi được trên mặt nước, tính chống chìm, chống ngập rất cao do đáy và thành tàu đều được cấu tạo bằng hai lớp. Với tính chất đàn hồi và dai, vật liệu PPC còn cho phép chịu được va đập mạnh, có khả năng chống xuyên thủng. Vật liệu này rất phù hợp để đóng tàu thuyền và các kết cấu công trình biển như nhà nổi, bể chứa nước ngọt… trên biển đảo.
Với những ưu điểm vượt trội của vật liệu tổng hợp PPC Hội đồng nhất trí thông qua dự án sau khi đổi lại tên của dự án và chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa lại một số nội dung mà Hội đồng đã đặt ra (như phải nêu rõ xuất sứ, phạm vi ứng dụng của công nghệ, các thông số thử nghiệm và kết quả đạt được…)