Tin KHCN trong nước
Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới thăm chính thức Việt Nam (20/03/2017)
-   +   A-   A+   In  
Nhận lời mời của Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Francis Gurry sẽ sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21 đến 23/03/2017.

Đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương với WIPO đồng thời tranh thủ sự trợ giúp của WIPO trong các vấn đề về sở hữu trí tuệ. Chuyến thăm lần này càng có ý nghĩa đặc biệt hơn trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong thời gian tới, để sở hữu trí tuệ thực sự là động lực cho đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Tổng giám đốc WIPO sẽ có các cuộc tiếp kiến Lãnh đạo Nhà nước, Lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới thăm Việt Nam - ảnh 1

Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Francis Gurry

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ chuyến thăm Tổng giám đốc Francis Gurry cũng sẽ tham dự một số hoạt động như: tham dự và phát biểu tại phiên khai mạc chung của 02 Hội thảo quốc tế về Chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII) và Hội thảo về Dự án IP-Hub về thương mại hóa tài sản trí tuệ; thăm và làm việc tại Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; có buổi nói chuyện với sinh viên tại Trường đại học Ngoại thương về chủ đề của Ngày sở hữu trí tuệ thế giới năm 2017 “Sáng tạo - Cải thiện cuộc sống”.

Đặc biệt, Tổng giám đốc sẽ tham dự Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa WIPO và Bộ Khoa học và Công nghệ về việc xây dựng Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ dành cho Việt Nam. Sau khi Thỏa thuận được ký kết, các chuyên gia quốc tế của WIPO sẽ sang Việt Nam để cùng phối hợp với nhóm chuyên gia trong nước khảo sát về thực trạng của sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, thảo luận và xây dựng các định hướng chiến lược về sở hữu trí tuệ, hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ trong năm 2017.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ phối hợp với WIPO tổ chức một số hoạt động bên lề: (i) Hội thảo về IP-Hub, từ ngày 22-24/03/2017, nhằm mục đích khởi động Dự án IP-Hub về thương mại hóa tài sản trí tuệ, thông qua việc nâng cao năng lực và xây dựng mối liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa các đơn vị liên quan trong việc phát triển, quản lý và thương mại hóa công nghệ bằng mô hình”Trục và nan hoa” (Hub and spoke); (ii) Hội thảo về Chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII), từ ngày 21-22/03/2017, nhằm chia sẻ cách thức xây dựng các chỉ số của GII, qua đó phục vụ việc tính toán các chỉ tiêu xếp hạng của môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia.

WIPO là một tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc, được xem như một diễn đàn toàn cầu về các dịch vụ, chính sách, thông tin và hợp tác về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là, WIPO có những hoạt động hợp tác đa dạng với các nước thành viên, các tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ, nhằm mục đích hỗ trợ, thúc đẩy bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời giải quyết những vấn đề chung của thế giới.

Kể từ khi gia nhập WIPO năm 1976, Việt Nam nhận được sự giúp đỡ quý báu của WIPO trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, đào tạo nguồn nhân lực và tuyên truyền nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ. Có thể khẳng định WIPO là đối tác đầu tiên và quan trọng nhất trong hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ của Việt Nam.

Những năm gần đây, vai trò của Việt Nam trong tổ chức và hoạt động của WIPO ngày càng được nâng cao. Hàng năm, Việt Nam đều cử đại diện tham dự các phiên họp thường trực của các Cơ quan điều hành và các Ủy ban chuyên môn của WIPO, theo dõi và nắm bắt tình hình hoạt động của Tổ chức, cũng như những diễn biến của các định chế quốc tế về sở hữu trí tuệ do WIPO quản lý. Đặc biệt, trong năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam đã được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Điều phối của WIPO, và được ghi nhận đã đóng góp giúp giải quyết một số vấn đề quan trọng về hành chính, nhân sự của Tổ chức.

Bên cạnh đó, WIPO vẫn tiếp tục các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật dành cho Việt Nam theo hướng nâng cao năng lực và hiện đại hóa hệ thống quản lý SHTT, nâng cấp công cụ tra cứu, cơ sở dữ liệu, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức. Thời gian tới đây, WIPO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai một số Dự án như: Xây dựng Chương trình quốc gia về sở hữu trí tuệ; IP-Hub về thương mại hóa tài sản trí tuệ; Kiểm toán về nguồn lực và quản lý của cơ quan sở hữu trí tuệ.

Chuyến thăm của Tổng giám đốc WIPO  được kỳ vọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, nhằm giúp Việt Nam tăng cường năng lực hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia.

Tổng giám đốc Francis Gurry, quốc tịch Ôxtrâylia, là một chuyên gia giàu kinh nghiệm về sở hữu trí tuệ, từng làm luật sư sở hữu trí tuệ trước khi làm việc tại WIPO trong hơn 30 năm qua. Ông được bầu làm Tổng giám đốc WIPO từ năm 2008 và tái đắc cử vào tháng 5/2014. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng giám đốc Francis Gurry từng đến thăm và làm việc tại Việt Nam vào năm 2010 theo lời mời của Bộ Khoa học và Công nghệ.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 6326

Về trang trước Về đầu trang