Tin KHCN trong tỉnh
Hiệu quả "kép" nhờ trồng xen canh cà phê và tiêu (17/03/2017)
-   +   A-   A+   In  

Việc đa dạng hóa các loại cây trồng trên cùng diện tích đã giúp nông dân có thêm thu nhập từ nhiều sản phẩm. Nổi bật là mô hình trồng xen canh tiêu - cà phê đang được nhiều nông dân trong tỉnh áp dụng, cho hiệu quả ổn định.

Mô hình trồng xen canh tiêu và cà phê được Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam bộ phối hợp với Sở KH-CN triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2014. Các hộ dân tham gia mô hình cho biết: Trước đây một ha thuần cà phê, lợi nhuận cao nhất cũng chỉ đạt 60 triệu đồng. Khi trồng xen canh với hồ tiêu, lợi nhuận có thể tăng gấp đôi.

Ông Lê Sự, ấp Nông Trường, xã Hắc Dịch (huyện Tân Thành) cho biết, những năm trước, với 2ha cà phê, mỗi năm lãi được khoảng 50-60 triệu đồng. Từ năm 2014, ông bắt đầu áp dụng trồng xen canh thêm tiêu trong vườn cà phê. Sau 2 năm triển khai, hiện cây tiêu đã bắt đầu cho thu hoạch. Sau khi trừ chi phí, ông Sự thu lãi gần 120 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với độc canh cà phê. Cũng theo ông Sự, trồng xen canh còn đỡ tốn công chăm sóc, giảm chi phí phân bón từ 10-15%.

Ông Trần Duy Thanh (ấp Tân Bình, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) đang trồng 400 gốc cà phê xen canh với khoảng 1.000 gốc tiêu trên diện tích 1,2ha. Sau 3 năm canh tác, ông Thanh nhận thấy, việc trồng cà phê xen tiêu giúp cây phát triển tốt. Cây cà phê là cây hút nước, ngược lại hồ tiêu lại rất dễ úng nước. Trong mùa mưa, cà phê hút nước giúp tiêu hạn chế được các loại dịch bệnh. Còn mùa nắng, cây tiêu có tác dụng che bóng hạn chế quá trình bốc hơi nước giảm lượng nước tưới cho cây cà phê.

Tiêu và cà phê là 2 loại cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng được mùa, mất giá. Việc trồng xen canh giúp nông dân có sự chủ động trong đầu tư, tránh điệp khúc trồng, chặt như trước. “Lỡ khi cà phê rớt giá còn có thu nhập từ tiêu, tiêu có mất giá lại dựa vào cây cà phê”, ông Trần Duy Thanh cho biết. 

Theo ông Hoàng Long Vỹ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Chinh (huyện Châu Đức), những năm qua do hồ tiêu được giá, nên người dân ồ ạt chặt bỏ cà phê để chuyển sang trồng tiêu. Việc này đã làm ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương. Để tránh tình trạng chạy theo giá cả thị trường, bà con nông dân trồng cây này chưa kịp thu hoạch lại chặt trồng cây khác, không thể ổn định sản xuất, Hội Nông dân xã đã phối hợp với ban ngành địa phương vận động, khuyến cáo người dân áp dụng thử hình thức trồng xen cà phê và tiêu. Qua thực tế, mô hình này mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, trồng xen canh tiêu – cà phê giúp giảm được chi phí phân bón. “Do thời vụ của các cây khác nhau nên còn tạo việc làm cho lao động trong suốt năm. Đến nay, trong khoảng 40ha cà phê trên địa bàn xã thì có đến một nửa diện tích đã được người dân trồng xen với tiêu”, ông Hoàng Long Vỹ cho biết.

Bà Trần Thị Thiên Hương, Phó phòng Kỹ thuật Nông nghiệp, Trung tâm KNKN tỉnh cho biết: “Qua thử nghiệm mô hình xen canh tiêu – cà phê, chúng tôi thấy phát huy hiệu quả và tới đây sẽ nhân rộng thêm”.

Ngoài cà phê xen tiêu, trong những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ còn xây dựng thêm các mô hình trồng xen canh nhiều loại cây ăn quả khác nhau như bưởi, sầu riêng… trong vườn cà phê. Tuy nhiên qua đánh giá, mô hình trồng hồ tiêu xen cà phê cho hiệu quả cao nhất. Đến nay, một số vườn xen canh tiêu và cà phê đã cho thu hoạch, ước tính lợi nhuận thu được khoảng 70 triệu đồng/ha/năm. Riêng tại huyện Châu Đức, thành công của mô hình đã khuyến khích bà con nông dân trên địa bàn huyện áp dụng mô hình trồng xen canh hồ tiêu trong các vườn cà phê đã lên tới gần 3.000ha. Hiện Trung tâm đang tiếp tục hoàn thiện qui trình để tới đây chuyển giao cho nông dân nhằm mở rộng các mô hình tiên tiến này đến các địa phương trên toàn tỉnh. Qua đó, giúp người dân ổn định sản xuất, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần giảm tình trạng “trồng - chặt, chặt - trồng”.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 6718

Về trang trước Về đầu trang