Tin KHCN trong nước
Lấy doanh nghiệp là trung tâm đổi mới KHCN và sáng tạo (05/01/2017)
-   +   A-   A+   In  

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh tại hội nghị trực tuyến “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội” sáng 4/1.

Cùng dự Hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, 63 tỉnh, thành phố cả nước.

 

Góp phần nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế

 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, trong năm 2016, ngành KH&CN đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, triển khai Chính phủ điện tử, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN khởi nghiệp sáng tạo.

 

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, KH&CN là động lực giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tăng trưởng, đã đóng góp khoảng 30%-40% vào tăng trưởng nông nghiệp, tùy theo từng lĩnh vực cụ thể.

 

Thông qua các hoạt động KH&CN, các viện nghiên cứu, tập đoàn, DN cơ khí chế tạo đã khẳng định được thương hiệu và vị thế ở thị trường trong nước và thế giới, đã có đủ năng lực làm tổng thầu (EPC) các công trình lớn trị giá hàng tỷ USD. Một số sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài, điển hình như giàn khoan tự nâng 120 m (Tam Đảo 05); các loại động cơ công suất đến 5 MW, turbine công suất đến 6 MW, các chủng loại biến áp đến 500 kV, lọc bụi tĩnh điện cho các nhà máy công nghiệp…

 

Trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đã có trên 60 tổ chức tín dụng áp dụng Internet Banking, 35 tổ chức tín dụng sử dụng Mobile Banking. Thanh toán qua Internet gia tăng 30-50%/năm, hiện có khoảng 2 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ này, thanh toán qua điện thoại di động đạt khoảng 700.000 đồng/người/tháng, giảm tỉ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán từ 18% (2005) xuống khoảng 11%.

 

Những thành tựu nổi bật trong y học đều xuất phát từ các kết quả nghiên cứu khoa học, thúc đẩy sự phát triển ngành y tế, góp phần to lớn vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vai trò và vị thế nền y tế Việt Nam ở một số lĩnh vực đã được nâng cao ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới như: Ghép tạng, công nghệ tế bào gốc, y học hạt nhân, nội soi can thiệp, điện quang can thiệp, hỗ trợ sinh sản, an toàn truyền máu, hồi sức cấp cứu, vaccine và sinh phẩm.

 

Nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh đã được nghiên cứu ứng dụng thành công, nhiều loại bệnh đã được chẩn đoán và điều trị với tỉ lệ thành công cao, giá thành rẻ, tiết kiệm cho xã hội hàng trăm tỷ đồng, tiết kiệm ngoại tệ hàng tỷ đô la/năm do không phải ra nước ngoài điều trị.

 

Nâng cao tiềm lực KHCN quốc gia

 

Năm 2016, ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động KH&CN đã được Quốc hội phê duyệt là 17.730,6 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,4% ngân sách Nhà nước.

 

Tổng kinh phí từ ngân sách Nhà nước chi cho nghiên cứu và phát triển (đề tài, dự án KH&CN cấp quốc gia, cấp bộ/tỉnh) trong năm 2016 là 5.000 tỷ đồng.

 

Các loại hình khu công nghệ cao như: Khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung được tiếp tục được quan tâm phát triển, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động KH&CN.

 

Khu công nghệ cao Hòa Lạc có 78 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 60.019 tỷ đồng trên tổng diện tích 348 ha. Đối với Khu Công nghệ cao TPHCM, có 104 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 5.615,57 triệu USD. Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đầu tư 137,9 triệu USD.

 

Công tác xây dựng hạ tầng thông tin KH&CN tiếp tục được chú trọng phát triển. Mạng VinaREN đã thực sự trở thành kênh liên lạc gắn kết cộng đồng các nhà khoa học cả trong và ngoài nước với việc triển khai nhiều ứng dụng tiên tiến trên nền tảng hạ tầng mạng.

 

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN tiếp tục được hoàn thiện và đưa lên khai thác trực tuyến trên Cổng Thông tin KH&CN Vista và qua mạng VinaREN với 218.000 bài báo khoa học toàn văn; 23.500 kết quả nghiên cứu đã được số hóa, với thông tin về các nhiệm vụ KH&CN đang thực hiện, nhiệm vụ KH&CN đã kết thúc, kết quả thực hiện và kết quả ứng dụng; 15.000 công nghệ, thiết bị, giải pháp phần mềm, dịch vụ và sản phẩm.

 

Năm 2016 đánh dấu sự phát triển vượt bậc về nguồn tin KH&CN nước ngoài, với việc bổ sung tập trung cơ sở dữ liệu ScienceDirect cho các tổ chức KH&CN cấp quốc gia cho phép trên 150.000 cán bộ nghiên cứu, giảng viên và sinh viên được tiếp cận và sử dụng nguồn tin quý báu này với trên 2.500 tạp chí khoa học hàng đầu thế giới.

 

Hình thành mạng lưới doanh nghiệp KHCN



Tính đến tháng 6/2016, cả nước có khoảng 250 DN được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN; nhiều hồ sơ đăng ký chứng nhận đang trong quá trình thẩm định, đánh giá và có khoảng 2.100 DN đạt điều kiện DN KH&CN; 36 tổ chức được cấp Giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao.

 

Bên cạnh đó, cả nước hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; hơn 20 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài; 21 cơ sở ươm tạo và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh…

 

Thị trường KH&CN được thúc đẩy phát triển với 8 sàn giao dịch công nghệ; 50 vườn ươm công nghệ và DN KH&CN. Tổng giá trị giao dịch công nghệ giai đoạn 2011-2015 đạt hơn 13.700 tỷ đồng, tăng 3 lần so với giai đoạn 5 năm trước.

 

Hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng tiếp tục được củng cố, góp phần tạo môi trường kinh doanh công bằng cho DN và ngày càng hài hòa với các tiêu chuẩn thế giới và khu vực.

 

Hệ thống bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện, phục vụ đắc lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và bảo vệ kết quả hoạt động sáng tạo và phù hợp với cam kết quốc tế.

 

Nhìn thẳng vào hạn chế yếu kém

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Bộ KH&CN cũng thẳng thắn nhìn nhận trong tổ chức và triển khai các nhiệm vụ KH&CN còn thiếu các hướng ưu tiên phù hợp, các chính sách, giải pháp mạnh mẽ để tạo đột phá trong những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế. Vì vậy, chưa hình thành được các lĩnh vực KH&CN mũi nhọn, đạt trình độ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh bình đẳng với khu vực và thế giới.

 

Việc cấu trúc chương trình, xác định nhiệm vụ, tiêu chí sàng lọc và phương thức triển khai đối với các nhiệm vụ KH&CN theo cơ chế mới còn lúng túng.

 

Cơ chế tài chính cho KH&CN đã được tháo gỡ nhưng vẫn còn bất cập và cần tiếp tục được hoàn thiện để phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN. Chưa có cơ chế hấp dẫn để thu hút các nguồn lực xã hội và DN đầu tư cho KH&CN.

 

Chính sách trọng dụng, sử dụng cán bộ KH&CN đã được triển khai thực hiện nhưng chưa đủ mạnh để thu hút được các nhà khoa học trẻ, tài năng, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các nhiệm vụ KH&CN.

 

Việc chuyển đổi tổ chức KH&CN sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm còn nhiều lúng túng.

 

Cơ chế, chính sách thu hút DN tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và phát triển công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn thiếu và chưa đồng bộ dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

 

Năng lực hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ của DN trong nước còn hạn chế. Trình độ công nghệ của một số ngành, lĩnh vực còn khoảng cách khá xa so với các nước tiên tiến trên thế giới. Quy định để kiểm soát chuyển giao công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường còn thiếu đồng bộ và chưa chặt chẽ.

Các quy định trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ cần tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung để phục vụ kịp thời cho sự phát triển của thực tiễn, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

 

Còn thiếu cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tin cậy, đồng bộ về KH&CN và đổi mới sáng tạo.

 

Lãnh đạo Bộ KH&CN xác định trong năm 2017 sẽ tập trung vào những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và tính quyết liệt trong việc xây dựng và triển khai chính sách, pháp luật; nâng cao chất lượng và tính kịp thời trong công tác quản lý và tham mưu cho Chính phủ; nâng cao tinh thần phục vụ đối với các cá nhân và tổ chức hoạt động KH&CN; thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, kinh doanh hiệu quả, sáng tạo và đổi mới công nghệ.

 

Đưa KH&CN gắn chặt chẽ hơn với việc xây dựng và thực hiện các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương. Triển khai thực hiện thí điểm cơ chế đối tác công-tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

 

Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, đơn giản hóa và minh bạch quy trình và thủ tục, giảm thời gian và chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, tạo mọi thuận lợi cho các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN, DN, người dân.

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 1817

Về trang trước Về đầu trang