Tin KHCN trong nước
Khoa học – Công nghệ phục vụ phát triển trong nông nghiệp: Thay đổi cách làm (08/12/2016)
-   +   A-   A+   In  

Theo thống kê của Bộ NN - PTNT, trong 5 năm qua đã có hơn 4.380 đề tài nghiên cứu khoa học và dự án sản xuất thử nghiệm được triển khai. Con số này nếu so với hơn 60 triệu người làm nông nghiệp quả là ít ỏi. Nếu không muốn mất vị trí là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, nước ta buộc phải thay đổi cách làm khoa học trong nông nghiệp.

Chưa đáp nhu cầu

Tại các chợ Công nghệ và thiết bị Việt Nam (Techmart) diễn ra trong thời gian qua, không ít người ngỡ ngàng khi tham quan hàng trăm máy móc, thiết bị như máy gieo hạt cà rốt, máy thái hành tỏi tự động, máy bóc vỏ hạt, lưỡi cày lên luống do nông dân ở khắp các vùng miền cả nước chế tạo. PGS.TS. Phạm Thượng Cát, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, những sản phẩm này cho thấy khả năng sáng tạo của những “nhà khoa học chân đất” rất lớn. Ở mỗi điều kiện, hoàn cảnh nhất định, nông dân có thể tạo ra được những sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao…

Tuy nhiên, câu chuyện này cũng nói lên rằng, khoa học, công nghệ hiện không đáp ứng nhu cầu của nông dân và ngành nông nghiệp. Điều này cũng đã được ngành nông nghiệp thừa nhận. Bên cạnh đó, việc chuyển giao khoa học công nghệ cũng chưa tạo được bước đột phá để có thể nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị tăng thêm cho sản phẩm nông nghiệp. Một số lĩnh vực mặc dù đã có công nghệ mới nhưng chậm hoặc ít được chuyển giao vào sản xuất, thậm chí chưa tác động nhiều như chè, dâu tằm, rau, cây ăn quả, chăn nuôi... Đặc biệt, có không ít doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền tỷ để mua công nghệ nước ngoài nhưng lại dè dặt khi bỏ tiền đầu tư phát triển công nghệ “nội địa”. Điều này đồng nghĩa với việc, các kết quả nghiên cứu của các tổ chức khoa học công nghệ trong nước được áp dụng vào sản xuất kinh doanh ở lĩnh vực nông nghiệp cũng như tất cả các lĩnh vực không nhiều. Theo TS. Nguyễn Văn Bộ, Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tích cực đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, cần phải đặt doanh nghiệp vào vị trí chủ đạo bởi về lâu dài, ngành nông nghiệp không còn cách nào khác là phải dựa vào khoa học công nghệ để tăng trưởng và phát triển bền vững.

Hướng đến cơ chế đặt hàng

Một vấn đề nữa được dư luận đề cập lâu nay là rất nhiều đề tài gọi là “nghiên cứu khoa học” nhưng không có tính ứng dụng. Và thậm chí không ai dám chắc là bao nhiêu trong tổng số hơn 4.380 đề tài dự án sản xuất thử nghiệm các cấp được triển khai mà Bộ NN - PTNT thống kê đã phát huy hiệu quả trên thực tế? Bộ Khoa học và Công nghệ - cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này cũng từng cho biết, nhiều nhiệm vụ được coi là “đặt hàng” nhưng lại không hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu thực tế. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không muốn mất vị trí là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới thì buộc phải thay đổi cách làm khoa học trong nông nghiệp theo hướng thực hiện cơ chế “đặt hàng”. Và theo nhiều chuyên gia, việc đặt hàng phải xuất phát từ nhu cầu sản xuất.

Bộ NN - PTNT cho biết, giai đoạn tới, ngành nông nghiệp sẽ hướng tới mục tiêu phát triển khoa học công nghệ theo chiều sâu, bền vững, với nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, sẽ thí điểm đặt hàng một số sản phẩm khoa học công nghệ, thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức khoa học công nghệ công lập, đổi mới cơ chế quản lý, chế độ tài chính theo hướng quản lý sản phẩm, đầu ra của nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Trên thực tế, cơ chế “đặt hàng” cũng đã được Chính phủ khuyến khích và cho phép tiến hành. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, ngành nông nghiệp cần có cơ chế rõ ràng trong giao chọn đề tài và các đề tài, dự án chỉ nên thực hiện trong thời gian trung hạn từ 3 - 5 năm. Đồng thời, ngành cần tổ chức giao khoán và đặt hàng mua sản phẩm nghiên cứu ứng dụng trên cơ sở hiệu quả thực tế.

Để tạo thêm động lực ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nhận định của các chuyên gia cũng cho rằng, cần tạo điều kiện cho các “nhà khoa học chân đất” phát huy sức sáng tạo. Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, thời gian qua, Bộ đã và đang hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sáng chế không chuyên thương mại hóa sản phẩm bằng một số hoạt động như: Tham gia chợ công nghệ và thiết bị Techmart; hỗ trợ cá nhân có sáng chế, sáng kiến thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ; quảng bá các sản phẩm qua một số kênh thông tin đại chúng... Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh, Bộ sẽ hỗ trợ các “nhà khoa học chân đất” kết nối với các nhà khoa học chuyên nghiệp để hoàn thiện công nghệ…  

Nguồn: daibieunhandan.vn

Số lượt đọc: 4486

Về trang trước Về đầu trang