Tiêu chuẩn ĐLCL
Xử phạt vi phạm hành chính hơn 760 cơ sở kinh doanh vàng, trang sức, mỹ nghệ (08/12/2016)
-   +   A-   A+   In  

Qua cuộc Thanh tra Chuyên đề năm 2016, có 2.942 cơ sở được thanh tra, trong đó các cơ quan thanh tra đã phát hiện 761 cơ sở có hành vi vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.

Đây là kết quả triển khai cuộc Thanh tra Chuyên đề diện rộng trên phạm vi toàn quốc trong năm 2016 với nội dung “Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường trong kinh doanh vàng; về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ”.

Hoạt động Thanh tra vàng của Đoàn Thanh tra liên ngành tỉnh Nghệ An (Ảnh: Thanh tra Bộ KH&CN)


Sau 3 tháng tổ chức triển khai cuộc Thanh tra Chuyên đề (tháng 7 - 9/2016), với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố, sự phối hợp có hiệu quả giữa Bộ KH&CN với các Bộ, ngành, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở KH&CN, sự nỗ lực số gắng của các đoàn thanh tra chuyên ngành, cuộc Thanh tra Chuyên đề đã đạt được những kết quả tích cực; phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật, ngăn ngừa, răn đe các tổ chức, cá nhân còn có ý định không chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vàng và vàng trang sức, mỹ nghệ, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước.

Cụ thể, đã có 2.942 cơ sở được thanh tra. Các địa phương tiến hành thanh tra nhiều cơ sở như: Vĩnh Long 151 cơ sở, Đồng Nai (109 cơ sở, trong đó kết quả đợt kiểm tra của Chi cục TĐC trong tháng 5, 6 là 82 cơ sở), Thanh Hóa 100 cơ sở, Bình Định 99 cơ sở, Lâm Đồng 92 cơ sở.

Tổng số cơ sở phát hiện được hành vi vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính là 761 cơ sở (chiếm 25,9% số cơ sở được thanh tra). Trong đó, số cơ sở bị xử phạt cảnh cáo là 132 cơ sở, xử phạt bằng tiền 629 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 4,2 tỷ đồng.

Trong số 761 cơ sở vi phạm với 1.060 lượt hành vi vi phạm có 495 lượt hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa, chiếm 47% tổng số lượt hành vi vi phạm; 201 lượt hành vi vi phạm quy định về đo lường, chiếm 19% tổng số lượt hành vi vi phạm (cân không có chứng chỉ kiểm định hoặc đã hết hiệu lực kiểm định là 141 lượt, chiếm 13% tổng số lượt hành vi vi phạm; khối lượng vàng không đạt theo giá trị công bố là 60 lượt, chiếm 6% tổng số lượt hành vi vi phạm); 161 lượt hành vi vi phạm không đạt chất lượng, chiếm 15% tổng số lượt hành vi vi phạm; 125 lượt hành vi vi phạm không công bố tiêu chuẩn áp dụng, chiếm 12% tổng số lượt hành vi vi phạm và 78 lượt hành vi vi phạm khác (Không trang bị bộ quả cân chuẩn sử dụng kèm với cân; phạm vi đo, độ chính xác của cân không phù hợp với khối lượng vàng cần đo, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ), chiếm 7% tổng số lượt hành vi vi phạm.

Một số địa phương đã xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm như: Đồng Nai xử phạt 60 cơ sở với tổng số tiền 1,4 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh xử phạt 35 cơ sở với tổng số tiền gần 400 triệu đồng, Hà Nội xử phạt 44 cơ sở với tổng số tiền gần 300 triệu đồng, Hải Phòng xử phạt 31 cơ sở với tổng số tiền gần 260 triệu đồng,...

Ngoài áp dụng hình thức xử phạt chính bằng tiền, cơ quan thanh tra đã áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các cơ sở vi phạm như buộc khắc phục về ghi nhãn hàng hóa; buộc công bố, công bố lại hàm lượng vàng; buộc định lượng lại khối lượng vàng trước lúc đưa vào lưu thông; buộc kiểm định phương tiện đo trước khi đưa vào sử dụng.

Được biết, thời gian qua Bộ KH&CN đã phối hợp và nhận được sự hợp tác hiệu quả của UBND các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương trong hoạt động quản lý của ngành KH&CN nói chung cũng như trong chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, an toàn bức xạ hạt nhân và sở hữu trí tuệ nói riêng. Kết quả đạt được từ thanh tra, kiểm tra đã góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước tại địa phương, đảm bảo ngăn chặn, khắc phục kịp thời tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và xã hội. Cuộc thanh tra chuyên đề năm 2016 đã khẳng định sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước được phân cấp, nâng cao hiệu lực quản lý của ngành.

Nguồn: Most.gov.vn

Số lượt đọc: 3782

Về trang trước Về đầu trang