Tin KHCN trong nước
Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp KH&CN (07/12/2016)
-   +   A-   A+   In  

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đối với các doanh nghiệp nhu cầu đổi mới công nghệ ngày càng tăng do đứng trước sức ép cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Để góp phần nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và chất lượng sản phẩm thì hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp là rất quan trọng.

Thực tế đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp KH&CN Việt Nam

 

Để sản xuất hàng loạt dao mổ điện cao tần ứng dụng trong y tế, các kỹ sư của Viện Ứng dụng công nghệ đã chú trọng đổi mới sáng tạo sản phẩm cho phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam với giá thành chỉ bằng 1/3 so với nhập ngoại. Trong hơn 10 năm qua đã có khoảng 600 thiết bị dao mổ điện cao tần Việt Nam được các bệnh viện ứng dụng nhưng kể từ 2 năm trở lại đây, việc sản xuất đã phải dừng lại, bỏ cuộc giữa chừng bởi sản phẩm Việt Nam tốt nhưng lại khó được người Việt Nam chấp nhận.

 

Ông Lê Mạnh Tuấn, tác giả nghiên cứu và chế tạo thiết bị dao mổ điện cao tần cho biết, đối với các nhà khoa học, khả năng nghiên cứu của họ rất tốt. Sản phẩm Việt Nam như dao cao tần sản xuất ra với độ bền rất cao. Tuy nhiên tâm lý và văn hóa sử dụng hàng hóa của người Việt Nam là hông muốn dùng hàng Việt Nam, điều đó là khó nhất cho các nhà khoa học.

 

Khó khăn trong chuyển giao công nghệ là lý do khiến không ít doanh nghiệp ngại đổi mới. Theo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp hiện chỉ đạt dưới 0,05% doanh thu. Khoảng 300 nghìn doanh nghiệp tại Việt Nam thì có đến tới 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ, phần lớn đều sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ. Hầu hết doanh thu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ vài tỷ đồng một năm chưa đủ điều kiện để đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN).

 

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển KH&CN rất ít khi sử dụng hoặc không dám sử dụng nguồn quỹ vì gặp nhiều vướng mắc. Một số doanh nghiệp cho biết, việc sử dụng quỹ này giống như ngân sách nhà nước với thủ tục kiểm soát chi chặt chẽ, rất khó chủ động khi sử dụng.

 

Ông Phan Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia cho biết, hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu trích lợi nhuận trước thuế thì số tiền không nhiều để doanh nghiệp có thể ứng dụng hoặc là đổi mới công nghệ cho doanh nghiêp. Nếu không sử dụng kinh phí này thì theo quy định của Chính phủ thì họ cũng có thể nộp phần trích quỹ đó vào một quỹ phát triển KH&CN quốc gia nào đó để quỹ của quốc gia hay của tỉnh có thể hỗ trợ ngược lại cho họ.

 

Rõ ràng nhu cầu đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp luôn có, thậm chí là rất lớn, vì suy cho cùng có đổi mới công nghệ doanh nghiệp mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh. Để vượt qua rào cản hiện có, doanh nghiệp cần có một chiến lược kinh doanh hợp lý, khi đó những chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước  sẽ là động lực khuyến khích các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình đổi mới công nghệ.

 

Khi nói về việc chậm đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp KH&CN sẽ dẫn tới hệ quả như thế nào, TS. Trần Quốc Thắng, Giám đốc Dự án FIRST cho biết, doanh nghiệp không có hoạt động đổi mới sáng tạo, không có liên kết với những đơn vị có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đổi mới công nghệ thì sản phẩm của doanh nghiệp sẽ không có giá trị gia tăng và sẽ bị sản phẩm tương tự như vậy chiếm lĩnh thị trường. Doanh nghiệp nếu như không có sản phẩm mới sẽ càng ngày càng bị tụt hậu và dẫn đến phá sản.

 

Thực trạng hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang “quên” đổi mới sáng tạo, có doanh nghiệp thấy rằng cần phải đổi mới sáng tạo và biết được hiệu quả nhưng cũng đang “thờ ơ” vì chưa bắt buộc. Chia sẻ về vấn đề này, TS. Trần Quốc Thắng cho rằng đó là một lý do, nhưng lý do quan trọng hơn cả là làm thế nào để kết nối, thực hiện đổi mới sáng tạo, thậm chí cần làm thế nào để biết rằng mình cần đổi mới sáng tạo gì trong chuỗi dây chuyền cũng như trong bản thân sản phẩm. Cùng với đó là ý chỉ của thủ lĩnh doanh nghiệp cũng hết sức quan trọng.

 

Đầu tư đổi mới công nghệ sẽ đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm

 

Thực tế đã chứng minh việc chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ sẽ đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm cũng như hiệu quả kinh tế xã hội to lớn. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, sau mỗi vụ mùa thu hoạch của người nông dân, ước tính có khoảng 6,5 triệu tấn vỏ trấu dư thừa, một lượng trấu dư thừa đã bị nhiều đơn vị sau khi xay xát đổ ra sông gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi. Làm thế nào để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tăng giá trị và sử dụng năng lượng từ phế phẩm nông nghiệp được  hiệu quả. Đó là điều mà các nhà khoa học luôn trăn trở.

 

Phát triển thị trường KH&CN để gắn kết giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo nâng cao hiệu quả sản xuất

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Vân Hà, tác giả nghiên cứu dự án đầu tư cụm công nghiệp chế biến lúa gạo không phát thải, Trường Đại học Tài nguyên và môi trường, TP. Hồ Chí Minh cho biết, với những kinh nghiệm học từ Nhật cùng với đam mê bà đã nhen nhóm ý tưởng phát triển cụm công nghiệp sản xuất sản phẩm ít rác thải nhất. Mới đây, mô hình cụm công nghiệp chế biến lúa gạo không phát thải của Công ty xây dựng sản xuất Hoàng Hà đã được trình lên Bộ KH&CN, dự án đang trong giai đoạn cuối cùng chờ phê duyệt để triển khai xây dựng tại An Giang.

 

Nói về dự án này, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ cho rằng đây là dự án khả thi, nhưng cần có sự quan tâm của nhiều cơ quan hữu quan hơn nữa vì mục đích của dự án không chỉ đem đến những giá trị gia tăng, lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn đóng góp vào quá trình bảo vệ môi trường.

 

Nếu như trước đây, Công ty xây dựng sản xuất Hoàng Hà chỉ đầu tư mô hình công nghệ riêng lẻ, ví dụ như một nhà máy xay xát lúa gạo hoặc một nhà máy sản xuất trấu viên thì nay hướng ứng dụng mà Công ty dự kiến phát triển đó là đầu tư các cụm mô hình công nghệ khép kín từ khâu đầu vào đến khâu cuối, từ việc phối hợp với nông dân sản xuất lúa gạo trên đồng ruộng, sấy và xay xát lúa gạo chất lượng cao cho đến tận dụng trấu để phát điện và nhiệt. Đặc biệt, Công ty đã đầu tư công nghệ hiện đại để tách được bột silica trong tro từ đó sản xuất được tấm silica cách nhiệt. Đây là sản phẩm đã đem lại nhiều giá trị gia tăng từ lúa gạo, đó là hướng đi mới mà hiện nay nhiều đơn vị đang muốn hướng tới và áp dụng ở việt Nam.

 

Bà Nguyễn Thị Vân Hà cho biết, Công ty đã kết hợp với Viện khoa học của Ấn Độ để đặt thử nghiệm 250 kg/ngày. Quá trình thử nghiệm từ tối ưu hóa cho lượng khí bơm vào, nhiệt độ, tất cả các phản ứng giờ đã đưa vào sản xuất ra được silica với độ tinh khiết đạt 99.9%.

 

Nếu như trước đây, người đứng đầu Công ty chỉ quyết định đầu tư nhà máy xay xát với công suất khoảng 250 tấn lúa/ngày, lượng trấu xử lý được chỉ đạt 60 tấn thì nay với kế hoạch đầu tư đổi mới công nghệ, công suất sẽ tăng lên gấp 4 lần so với trước. Trong mô hình cụm công nghiệp này, sản xuất ra than hoạt tính và tận dụng cám để sản xuất tinh dầu cám cũng là những phương án được tính đến.

 

Ông Phạm Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng sản xuất Hoàng Hà cho biết, chỉ có các thiết bị như hệ thống mô tơ, điều khiển tự động thì chúng tôi phải nhập, ngoài ra chúng tôi sẽ cố gắng nội địa hóa toàn bộ hệ thống thiết bị 70%.

 

Dự kiến vốn đầu tư cho cụm công nghệ khép kín này khoảng 1.500 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư là một trong những thách thức, rào cản lớn nhất mà doanh nghiệp này phải vượt qua.

 

Hạn chế tối đa phát thải gây ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế bền vững khi khai thác được chuỗi sản phẩm và chuỗi giá trị hàng hóa của cây lúa đó là ý nghĩa lớn nhất mà dự án này đem lại. Với khoảng thời gian hơn 10 năm nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ, sau khi cụm công nghiệp khép kín được hình thành,mong muốn của những người trong cuộc là tiếp tục tạo ra các sản phẩm cao cấp hơn như nano silica để cung cấp cho sản xuất mỹ phẩm và pin năng lượng mặt trời. Công ty TNHH Thương mại xây dựng và sản xuất Hoàng Hà mong muốn mô hình này nếu thành công ở An Giang sẽ có thể ứng dụng rộng ra nhiều tỉnh thành còn lại, điều này sẽ góp phần thay đổi cách thức sản xuất và chế biến lúa gạo hiện nay phát triển nền kinh tế bền vững dựa trên cây lúa khi được ứng dụng công nghệ mới.

 

Khó khăn nhất hiện nay là phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đủ điều kiện để tự nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, như vậy cần phát triển một thị trường KH&CN để có thể liên kết giữa các doanh nghiệp và viện nghiên cứu, từ đó tận dụng lợi thế của mỗi bên để có thể thúc đẩy việc đổi mới sáng tạo nâng cao hiệu quả sản xuất.

Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn

Số lượt đọc: 5290

Về trang trước Về đầu trang