Tin KHCN trong tỉnh
Chăn nuôi trên đệm lót sinh học: Tăng lợi nhuận, giảm ô nhiễm môi trường (28/11/2016)
-   +   A-   A+   In  

Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi nhằm phòng bệnh, tăng năng suất, chất lượng vật nuôi và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường đang được ứng dụng ở nhiều địa phương và các trang trại trên địa bàn tỉnh. Trong đó, mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học cho heo, gà và sử dụng thức ăn men ủ vi sinh hoạt tính đang được các hộ chăn nuôi nhân rộng.

Đệm lót sinh học là đệm lót mùn cưa hoặc trấu được trải trên nền chuồng chăn nuôi, kết hợp với một lớp men vi sinh vật có ích. Hệ men này có tác dụng giải chất thải vật nuôi, hạn chế sự phát triển của hệ vi sinh vật có hại, phân giải một phần mùn cưa; giữ ấm cho vật nuôi, tăng tuổi thọ của nền chuồng.

Tại tỉnh BR-VT, việc ứng dụng đệm lót sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi đã được nhiều hộ chăn nuôi heo, gà quy mô lớn trên địa bàn tỉnh áp dụng và mang lại hiệu quả cao. Một trong những trang trại tiên phong áp dụng đệm lót sinh học là trang trại của gia đình ông Đỗ Văn Tam, ở ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba (huyện Châu Đức). Trang trại này có vụ nuôi đến 9.000 con gà nhưng không phải thuê một nhân công nào mà chỉ sử dụng 4 lao động gia đình. Việc sử dụng men Balasa N01 làm đệm lót sinh học đã xử lý phân gà rất hiệu quả, giúp gia đình ông Tam đỡ tốn sức dọn vệ sinh và đàn gà cũng khỏe mạnh nhờ môi trường chuồng trại luôn tốt. Trước kia chưa sử dụng men Balasa N01, việc nuôi gà của gia đình ông tốn kém nhiều công lao động, bởi vì sau 1 tháng tuổi (bắt đầu tuần tuổi thứ 5) lượng chất thải từ phân gà quá lớn nên cứ 2 ngày phải làm vệ sinh chuồng gà 1 lần, mỗi lần dọn phải thay trấu mới, phun thuốc sát trùng… Riêng tiền mua trấu mỗi lứa gà đã lên đến hơn 10 triệu đồng, cộng với tiền nhân công cho 5 người thì mỗi lứa gà “ngốn” vài chục triệu đồng mà vẫn không khắc phục được mùi hôi thối.

Với 650m2 diện tích chuồng nuôi, mỗi đợt nuôi gia đình ông Tam chỉ bỏ ra khoảng 3 triệu đồng tiền men Balasa N01 để xử lý nhưng lại rất bảo đảm vệ sinh, tiết kiệm lao động. Hiện nay số gà hơn 1 tháng tuổi tại trang trại của ông Tam đã lên đến 6.000 con nhưng vẫn sạch sẽ, không có mùi hôi thối. Kể từ khi sử dụng đệm lót sinh học Balasa N01, các loại bệnh thường phát sinh trên đàn gà đã giảm đáng kể. Đàn gà của ông Tam đạt tỉ lệ sống đến 95%, gà phát triển nhanh, khỏe mạnh và nhờ đó hiệu quả kinh tế rất cao. Tính ra lợi nhuận thu về trên mỗi con gà lên đến 40 ngàn đồng.        

Ông Vũ Ngọc Bích, chủ trại heo giống Trang Linh tại xã Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc) cho biết, từ năm 2012 đến nay ông đã thành công với mô hình chăn nuôi heo nái trên nền đệm lót sinh học. Theo đó, trên tổng diện tích chuồng nuôi 7.000m2, ông Vũ Ngọc Bích nuôi gần 3.000 heo nái. Sau khi áp dụng phương pháp nuôi trên đệm lót sinh học, ông Linh nhận thấy, nền chuồng được làm ấm nên bệnh tiêu chảy giảm từ 70% xuống còn 10% so với trước; bệnh viêm phổi ở heo và viêm khớp hầu như không có. Đối với heo nái nuôi con thì mau lên giống, heo nái sau cai sữa 2 - 3 ngày đã lên giống thay vì 5 - 7 ngày theo phương thức nuôi cũ. Đặc biệt, heo nái không còn hiện tượng chết đột ngột do phải phun thuốc sát trùng. Ngoài ra, nuôi heo nái trên nền đệm lót sinh học còn giúp tiết kiệm điện, nước, nhân công, hạn chế tối đa ruồi muỗi và mùi hôi.

Theo các hộ chăn nuôi heo bằng đệm lót sinh học, với phương pháp này, một lao động có thể nuôi được 800 con heo thịt, trọng lượng heo cũng tăng 5% so với chăn nuôi thông thường, tổng chi phí cho một heo nuôi thịt giảm khoảng 400 ngàn đồng. Đặc biệt, các sản phẩm sản xuất ra từ hệ thống chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học bảo đảm ATVSTP và bán được giá cao hơn. Sau một thời hạn sử dụng, các chất đệm lót được đưa ra và sử dụng bón cho cây trồng như phân hữu cơ vi sinh rất tốt nhờ có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Đệm lót sinh học dùng cho chăn nuôi heo, gà thường là một lớp đệm dày từ 10 - 60cm bao gồm tro than hút ẩm, trấu và rơm cắt nhỏ… được trộn với chế phẩm vi sinh có tác dụng tiêu hủy phân và nước tiểu, hình thành một lớp sinh khối sạch, hạn chế vi khuẩn bệnh và ký sinh trùng, loại bỏ ruồi muỗi, không mùi hôi. Đối với chăn nuôi heo, lượng nước có thể tiết kiệm tới 80%, chi phí lao động cũng giảm 60% do không phải tắm cho heo và rửa chuồng. Ngoài ra, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh thái còn hạn chế gây ô nhiễm môi trường do chất thải được phân hủy hoàn toàn ngay tại chuồng nuôi; Không có mùi hôi thối từ phân, nước tiểu của vật nuôi do hệ men vi sinh vật trong chế phẩm sử dụng đã cạnh tranh và diệt hết các vi sinh vật có hại và các vi sinh vật gây mùi khó chịu… Không còn nước để ruồi muỗi sinh sản, đẻ trứng nên hạn chế ruồi muỗi phát sinh. Các mầm bệnh, nguyên nhân lây lan và bùng phát các bệnh dịch bị tiêu diệt hoặc hạn chế tới mức thấp nhất.

 

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 5165

Về trang trước Về đầu trang