Tin KHCN trong tỉnh
Đưa khoa học vào cuộc sống (19/03/2014)
-   +   A-   A+   In  

Tăng năng suất, giảm chi phí, tiết kiệm sức lao động, thân thiện với môi trường… Đó là những thành quả đạt được nhờ ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) vào lao động, sản xuất. Không chỉ ứng dụng ở những khu vực thành thị, KHCN còn giúp người dân vùng nông thôn thay đổi tập quán sản xuất theo hướng hiện đại, tích cực.

Nhiều dự án có tính ứng dụng cao

Theo ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KHCN, đến nay, Bà Rịa – Vũng Tàu đã thực hiện 291 đề tài, dự án cấp tỉnh, khoảng 500 đề tài cấp ngành (cơ sở) và doanh nghiệp, trên các lĩnh vực: Điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên và bảo vệ tài nguyên môi trường; Khoa học xã hội và nhân văn, Nông - lâm - ngư nghiệp, Y tế - Giáo dục, Kỹ thuật Công nghệ… Nhiều đề tài, dự án sau nghiệm thu đã được đưa vào áp dụng trong thực tế sản xuất và đời sống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) cũng như cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ. Trong đó, có nhiều dự án tiêu biểu, được đánh giá cao như: dự án Thí điểm chống xói lở bờ biển bằng công nghệ mềm Stabiplage tại Lộc An, huyện Đất Đỏ; Nghiên cứu thiết kế mô hình súng thần công và phục dựng nghi thức bắn súng thần công ở tỉnh; Phân vùng dịch tễ sốt rét, sốt xuất huyết tại tỉnh và đề xuất biện pháp phòng chống; Nghiên cứu thử nghiệm nuôi tôm sú bán thâm canh và thâm canh trong vùng có độ mặn thấp ở Bà Rịa…

Công trình Stabilage chống xói lở bờ biển Lộc An (huyện Đất Đỏ)  Ảnh: Sở Khoa học và Công nghệ
Công trình Stabilage chống xói lở bờ biển Lộc An (huyện Đất Đỏ) Ảnh: Sở Khoa học và Công nghệ

Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc áp dụng KHCN vào sản xuất, 10 năm qua, Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị (Busadco) đã có nhiều nghiên cứu và ứng dụng KHCN góp phần bảo vệ môi trường nước, chống ngập úng, chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường đô thị trên địa bàn tỉnh như cụm tời nạo vét cống rãnh; hố thu nước mưa và ngăn mùi kiểu mới; bê tông cốt thép thành mỏng… Mới đây, tại cuộc thi Sáng chế năm 2013, giải pháp “Hệ thống xử lý phân tán nước thải sinh hoạt tại Việt Nam” của Công ty TNHH thoát nước và phát triển đô thị tỉnh đạt giải nhì. Giải pháp này giúp xử lý nước thải theo quy trình đồng bộ khép kín bằng phương pháp sinh học, làm sạch tự nhiên mà không cần đến năng lượng hoạt động; thuận tiện cho người dân các vùng đô thị nhỏ, thích ứng với nhiều loại hình nhà ở, tiết kiệm chi phí, thi công lắp đặt, bảo dưỡng vận hành dễ dàng, nhanh gọn… Ông Hoàng Đức Thảo, Tổng Giám đốc Busadco cho hay, trong suốt 10 năm qua, nghiên cứu và ứng dụng KHCN luôn là nền tảng, là động lực thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của Busadco. Nghiên cứu khoa học của Busadco là nghiên cứu - ứng dụng, được hình thành từ nhu cầu, từ sự cấp thiết của thực tiễn, nhằm đáp ứng ngay nhu cầu của đời sống xã hội. Sản phẩm công nghệ Busadco hướng tới việc cải tạo hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn và bảo vệ môi trường. Sản phẩm này phục vụ công cộng phúc lợi, vì lợi ích chung cho cả cộng đồng xã hội.

Thay đổi tập quán sản xuất

Không chỉ có tính ứng dụng cao trong lao động sản xuất tại các khu vực thành thị, KHCN còn mang đến cho người dân vùng sâu vùng xa, người dân tộc thiểu số những sự khám phá mới, làm thay đổi tập quán sản xuất của họ. Vì vậy, hoạt động đưa KHCN đến với người dân được Sở KHCN chú trọng phát triển, là một trong những giải pháp nhằm giúp người dân vùng sâu vùng xa ứng dụng KHCN, mô hình sản xuất hiệu quả vào thực tế.

Lớp “Tập huấn khai thác thông tin KHCN cho đồng bào dân tộc Châu Ro và người dân vùng sâu - vùng xa” do Trung tâm tin học và Thông tin KHCN tổ chức hồi tháng 6-2013, tại các xã Tân Lâm, Hòa Bình (huyện Xuyên Mộc) là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận của Sở KHCN trong việc đưa KHCN đến với người dân vùng dân tộc thiểu số. Được sự động viên của các cán bộ trung tâm, sự hướng dẫn tận tình của các bạn sinh viên, bà con đã thấy thoải mái hơn để bắt đầu với công cuộc “hội nhập” của mình. Chị Tòng Thị Gặp, tổ 20, ấp 5, xã Hòa Bình cho hay, người dân tộc Châu Ro còn thiếu kiến thức về KHCN, mọi việc chăn nuôi trồng trọt chỉ làm theo phương thức cũ nên hiệu quả không cao. “Mình sẽ về bảo con cháu ở nhà cũng như bà con chịu khó học hỏi thật nhiều để còn lên mạng tìm kiếm thông tin mà áp dụng vào sản xuất” - chị Gặp chia sẻ.

Nguồn: baobrvt

Số lượt đọc: 8263

Về trang trước Về đầu trang