Tin KHCN trong tỉnh
Tạo "dấu ấn xanh" cho thành phố Vũng Tàu (26/09/2016)
-   +   A-   A+   In  

Sở KH-CN và UBND TP. Vũng Tàu đang lựa chọn những mô hình cây xanh đô thị điển hình để đưa vào áp dụng trong quy hoạch không gian xanh cho TP. Vũng Tàu. Việc làm này nhằm hướng đến mục tiêu phát triển TP. Vũng Tàu thành một đô thị xanh – sạch – đẹp với những điểm nhấn ấn tượng bằng cây xanh.

QUAN TÂM PHÁT TRIỂN MẢNG XANH ĐÔ THỊ

BR-VT hiện có khoảng 140.000 cây xanh các loại, phân bố ở hầu hết các tuyến đường, công viên, những điểm công cộng, các công sở thuộc 8 huyện, thành phố. Trong đó, TP. Vũng Tàu có số lượng cây xanh đô thị nhiều nhất (khoảng 36.614 cây).

Theo lãnh đạo TP. Vũng Tàu, công tác đầu tư xây dựng và phát triển mảng xanh đô thị luôn được TP.Vũng Tàu quan tâm, coi đó là một tiêu chuẩn của việc xây dựng môi trường sống trong lành cho đô thị biển Vũng Tàu. Những năm gần đây, TP. Vũng Tàu đã thay thế dần các loại cây mọc nhanh, đơn điệu trồng trên đường phố như phi lao, bạch đàn, tràm bông vàng, bã đậu, trứng cá… bằng những loại cây cho bóng mát, có hoa đẹp. Trên mỗi tuyến đường phố chính trong thành phố đều có một loại cây khác nhau. Chẳng hạn, đường 3-2 thông thoáng và rộng rãi với những thảm bông giấy đủ màu trắng, đỏ, hồng khoe sắc. Vỉa hè có bề rộng 4m trồng cây sao đen xen kẽ cây muồng hoàng yến, tầng dưới là thảm có lá gừng. Cây sao đen, dầu rái được trồng ở đường Nguyễn An Ninh. Cây lim sẹt, bò cạp nước là những loài cây có hoa đẹp được trồng ở đường Hoàng Hoa Thám, Lê Lợi, Phan Chu Trinh. Cây bằng lăng, cây so đo cam, cây long não trồng trên tuyến đường Lý Tự Trọng. Tuy nhiên, không phải loại cây nào trồng tại TP. Vũng Tàu cũng có thể sống được nếu không tìm hiểu và lựa chọn kỹ. Đối với các khu vực sát biển thường xuyên bị tác động bởi cát, gió và muối mặn thì nên chọn cây nho biển (tra). Cây gừa (họ dâu tằm) trồng thành 2 hành lang xanh dọc quốc lộ 51A cửa ngõ vào TP. Vũng Tàu. Vành đai ven biển đường Hạ Long - Trần Phú trồng cây anh đào, loại cây chịu được gió biển, làm đẹp thêm phong cảnh thiên nhiên miền biển..

Do cây xanh chưa được quy hoạch một cách bài bản và phân bố hợp lý nên mảng xanh đô thị tại TP. Vũng Tàu vẫn chưa phát huy hiệu quả, một số tuyến đường, khu vực công cộng đang trồng những cây chưa phù hợp với khí hậu và cảnh quan… Một số khu vực ở chân núi Lớn, núi Nhỏ chưa có loại cây nào phù hợp để trồng, che lấp những chỗ bị đục, khoét, dù trước đây cây đa (họ dâu tằm) được trồng để phủ xanh vách núi đá tạo mảng tường xanh nhìn ra biển. Tuy nhiên, loại cây này vẫn không phát triển được.

CÂY XANH LÀ SẢN PHẨM DU LỊCH

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, UBND tỉnh vừa đồng ý để Sở KH-CN triển khai đề tài khoa học “Khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất phương án cụ thể nhằm phát triển hệ thống cây xanh tại các đô thị trên địa bàn tỉnh BR-VT”.  Theo đó, Sở KH-CN đã chọn TP. Vũng Tàu để thử nghiệm trình diễn mô hình thiết kế cây xanh đô thị với các tiểu cảnh về hoa, cây cảnh, cây xanh bóng mát nhằm tạo ra một không gian cây xanh - đẹp để du khách đến thưởng ngoạn, đồng thời giảm bớt chi phí cắt, tỉa cây xanh hàng năm. Hiện Sở KH-CN đang mời PGS.TS Chế Đình Lý (Viện Môi trường – Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) tham gia nghiên cứu việc thiết kế mô hình cây xanh đô thị thử nghiệm ở tuyến đường 51B, công viên mũi Nghinh Phong và trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.

Theo đồng chí Mai Ngọc Thuận, Bí thư Thành ủy TP. Vũng Tàu, việc lựa chọn điển hình để thiết kế một số mô hình cây xanh đô thị Vũng Tàu phải căn cứ vào điều kiện khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng của Vũng Tàu để có những loại cây trồng phù hợp đồng thời phải tạo được “dấu ấn xanh” cho thành phố. Người dân, du khách có thể xem những mô hình cây xanh đó thể tham quan, chụp ảnh, tạo thành một sản phẩm du lịch cho địa phương. PGS.TS Chế Đình Lý  cho biết, Sở KH-CN tỉnh BR-VT và Viện Môi trường – Tài nguyên đang tiến hành điều tra toàn diện hiện trạng hệ thống cây xanh trên các địa bàn đô thị Vũng Tàu, từ đó nghiên cứu đưa ra giải pháp hoàn thiện và kế hoạch phát triển hệ thống cây tại đô thị, đáp ứng yêu cầu xanh, bền, đẹp và an toàn, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng cho ngân sách địa phương, đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu. “Sau khi hoàn thiện, chúng tôi sẽ chuyển giao công nghệ trọn gói, chuyển giao công nghệ có đào tạo để địa phương tư chăm sóc, bảo dưỡng”, ông Lý nói.

Nguồn: http://baobariavungtau.com.vn/

Số lượt đọc: 5713

Về trang trước Về đầu trang