Tin KHCN trong nước
Hoàn thiện thiết kế, công nghệ và chế tạo các thiết bị phục vụ tự động hóa dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu (13/09/2016)
-   +   A-   A+   In  

Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2013 đến năm 2015, nhóm nghiên cứu tại Công ty Cổ phần cơ khí chế tạo máy Long Anh do KS. La Thanh Hải dẫn đầu, đã thực hiện dự án: “Hoàn thiện thiết kế, công nghệ và chế tạo các thiết bị phục vụ tự động hóa dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu”.

Nhiều năm qua, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Trong những giai đoạn kinh tế suy thoái của Việt nam, ngành nông nghiệp, trong đó có sản xuất lúa gạo, đóng vai trò quan trọng trong việc vực dậy nền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, gạo được chế biến với chất lượng và tỷ lệ thu hồi gạo nguyên chưa như mong đợi. Các thông số đầu vào và đầu ra, năng suất và chất lượng sản phẩm trong các dây chuyền gạo trên cả nước chủ yếu được điều chỉnh và giám sát thủ công, phụ thuộc nhiều vào tay nghề và kinh nghiệm của người vận hành.

Trong bối cảnh đó, đề tài độc lập cấp Nhà nước: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị phục tự động hóa dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu năng suất 8-10 tấn thóc/ha” đã được triển khai trong thời gian 2011-2012 và đã mang lại những kết quả bước đầu trong việc tự động hóa một số thiết bị trong dây chuyền chế biến gạo để cải thiện năng suất và chất lượng của gạo thành phẩm. Xuất phát từ đề tài này, dự án: “Hoàn thiện thiết kế, công nghệ và chế tạo các thiết bị phục vụ tự động hóa dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu” được thực hiện nhằm hoàn thiện thiết kế, chế tạo một số thiết bị chính được tự động hóa, bổ sung một số chức năng mới và đưa vào ứng dụng để nâng cao năng suất và chất lượng cho 5 dây chuyền chế biến gạo.

Sản phẩm của dự án bao gồm 5 dây chuyền chế biến gạo đồng bộ năng suất 10-12 tấn thóc/giờ. Dây chuyền này gồm:

+ Các thiết bị chính: Máy bóc vỏ, máy tách trấu, máy tách sạn, máy xát trắng, máy đánh bóng và máy tách thóc tinh;

+ Các thiết bị phụ trợ: bồ đài, băng tải, thiết bị sấy, silo, cân điện tử và các thiết bị công tác khác.

Năm dây chuyền chế biến gạo đồng bộ năng suất 10-12 tấn thóc/giờ, đã được chế tạo, lắp đặt và đưa vào sản xuất tại Công ty cổ phần Cơ khí - Xây dựng Long An, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Phương Thanh, Công ty TNHH một thành viên sản xuất - xuất nhập khẩu Núi Xanh Long An, Công ty TNHH Lương thực - Thực phẩm Long An và Doanh nghiệp tư nhân Công Bình. Nhìn chung, các chỉ tiêu chất lượng của từng hệ thống thiết bị của mỗi dây chuyền hoạt động trên thực tế đều đạt được so với đăng ký.

Về tác động đối với khoa học và công nghệ, dự án đưa ra các giải pháp đột phá để cải tiến, hiện đại hóa toàn bộ quy trình chế biến gạo và còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh công nghệ cho sản phẩm của cơ quan chủ trì đối với các sản phẩm cùng loại do các công ty trong và ngoài nước sản xuất.

Về mặt kinh tế, kết quả của dự án mang lại là dây chuyền thiết bị nâng cao năng suất so với dây chuyền cũ, ổn định chất lượng sản phẩm đầu ra của dây chuyền, tăng tỷ lệ thu hồi gạo nguyên, giảm tiêu thụ năng lượng, giảm chi phí sản xuất, tự động hóa trong vận hành và điều khiển dây chuyền, tạo môi trường làm việc an toàn hơn cho công nhân.

Về mặt xã hội, việc giảm tổn thất sau thu hoạch nhằm tăng thu nhập cho người nông dân, làm giàu cho xã hội, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ cho nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng gạo xuất khẩu và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Về mặt môi trường, dây chuyền thiết bị được hoàn thiện nguyên lý làm việc và kết cấu của từng loại thiết bị nằm trong dây chuyền, được ứng dụng cơ điện tử, tự động hóa và công nghệ thông tin để cải thiện độ tin cậy của thiết bị, giảm số lượng lao động và cường độ lao động của công nhân. Ngoài ra, một số thiết bị còn cải tiến bộ phận tách và lọc bụi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện sức khỏe con người.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 11681/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 5949

Về trang trước Về đầu trang