Tin KHCN trong tỉnh
Tăng hiệu quả khai thác thủy sản nhờ áp dụng KH-CN (31/08/2016)
-   +   A-   A+   In  

Thời gian qua, để nâng cao năng suất, hiệu quả đánh bắt hải sản, các chủ tàu cá đã áp dụng các tiến bộ KH-CN như máy định vị AIS, máy dò cá, ứng dụng công nghệ bảo quản mới...

ỨNG DỤNG THIẾT BỊ DÒ CÁ

Ông Lê Hoàng Khanh, chủ tàu lưới rê (phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu) cho biết, với giàn lưới rê dài 20km, trước kia khi bủa lưới xuống, tài công chỉ phỏng đoán lưới trôi theo kinh nghiệm của mình. Do vậy, việc lưới bị tàu bạn kéo đứt là chuyện khó tránh khỏi. Tuy nhiên, hiện nay, các tàu đã đầu tư gắn thiết bị AIS (định vị) tại một đầu lưới. Với thiết bị này, qua màn hình AIS gắn trên tàu, tài công có thể biết được lưới của mình trôi ở tọa độ nào và thông báo cho các tàu trong khu vực biết để tránh. Ngoài ra, để tăng hiệu suất đánh bắt, ngư dân còn trang bị cho tàu cá các thiết bị dò cá tiên tiến trị giá hàng trăm triệu đồng. Ngư dân Nguyễn Văn Thọ (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền), chủ tàu cá hành nghề lưới vây (lưới rút) cho biết: “Tàu của tôi vừa trang bị máy sonar dò ngang. Sonar giúp tài công có thể thấy được vị trí của đàn cá trong bán kính hàng trăm mét và có thể ước lượng mức độ tập trung của đàn cá để vây đánh. Ngoài ra, máy còn có chức năng giúp tài công theo dõi hướng đi và tốc độ di chuyển của đàn cá, qua đó chọn thời điểm thả lưới, giúp tăng hiệu suất đánh bắt lên gấp đôi. Nhờ có các loại máy dò hiện đại nên không mất nhiều thời gian để chạy tìm luồng cá, đỡ tốn chi phí nhiên liệu”.

 

Theo Sở NN-PTNT, mục tiêu của ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong khai thác thủy sản là giảm sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, khai thác chọn lọc nhằm phát triển bền vững, không chạy theo sản lượng, khắc phục tình trạng tổn thất trong khai thác và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Tài, thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) hành nghề lưới rê cho biết, nếu như giàn lưới dài 10 hải lý (18.520m), khi chưa sử dụng máy kéo thủy lực thì 10 ngư dân phải thay ca kéo liên tục trong 4-5 giờ mới xong và 1 ngày chỉ đánh có 1 giác lưới vì phải chờ anh em phục hồi thể lực. Nhưng, khi dùng máy kéo lưới bằng thủy lực, với giàn lưới này, chỉ cần 40-50 phút là đã kéo xong và chỉ cần 2 ngư dân để xếp lưới. “Do tốc độ thu lưới tăng gấp 4-5 lần so với kéo lưới bằng sức người, các chủ tàu cá tăng kích thước giàn lưới dài gấp đôi và nhờ vậy năng suất khai thác cũng tăng lên”, ông Tài cho biết thêm.

 

Thuyền viên kiểm tra hệ thống điều khiển điện trung tâm ở khoang máy tại tàu dịch vụ hậu cần thủy sản Gia Hân trước giờ ra khơi. Ảnh: THÀNH HUY
Thuyền viên kiểm tra hệ thống điều khiển điện trung tâm ở khoang máy tại tàu dịch vụ hậu cần thủy sản Gia Hân trước giờ ra khơi.
Ảnh: THÀNH HUY

 

GIA TĂNG GIÁ TRỊ HẢI SẢN SAU ĐÁNH BẮT

 

Thời gian qua, lĩnh vực khai thác hải sản đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm thông qua việc ban hành và triển khai nhiều chính sách, cụ thể như Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, Nghị định 89, Quyết định 48... về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa... Qua đó từng bước hiện đại hóa đội tàu đánh bắt, khai thác hải sản. Nhiều tàu cá hiện nay đã được hỗ trợ trang thiết bị hiện đại như thiết bị định vị Movina; máy sonar dò ngang, hầm lạnh bảo quản cá... Theo ngư dân Lê Hoàng Khanh, việc tàu cá được trang bị các thiết bị hiện đại không chỉ tăng hiệu quả đánh bắt, mà sản phẩm sau khai thác cũng được bảo quản tốt hơn. “Việc sử dụng hầm cá bảo quản bằng vật liệu PU như hiện nay giúp giữ lạnh rất tốt. Với phương pháp này, khối lượng nước đá mang theo sử dụng được đạt đến 95% (bình thường chỉ sử dụng đạt từ 60%-70%). Công nghệ mới dùng trong hầm chứa cá cách nhiệt bằng vật liệu PU giúp ngư dân tiết kiệm được một lượng lớn nước đá, đồng thời cá được bảo quản tươi nên giá bán cao hơn trước đây”, ông Khanh cho biết thêm.

 

Hiện nay, ngư dân đã chủ động đầu tư và áp dụng các giải pháp KH-CN vào khai thác thủy sản để nâng cao năng lực và hiệu quả đánh bắt trên các vùng biển khơi. Theo một số ngư dân cho biết, họ rất muốn lắp thiết bị hiện đại để đánh bắt, tuy nhiên chi phí đầu tư lớn có thiết bị lên tới 350 triệu đồng/máy, do đó  không đủ khả năng đầu tư. Vì thế, ngư dân mong muốn Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ để họ có cơ hội tiếp cận công nghệ đánh bắt hiện đại, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động đánh bắt hải sản, góp phần nâng cao đời sống, an tâm bám biển lâu dài.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 5591

Về trang trước Về đầu trang