Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu sản xuất và sử dụng chế phẩm từ nấm Lecanicillium spp, để diệt rệp muội (Aphidae) gây hại cây trồng (10/08/2016)
-   +   A-   A+   In  

Năm 2015, nhóm nghiên cứu do TS. Vũ Văn Hạnh, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đứng đầu đã nghiên cứu thành công đề tài “Nghiên cứu sản xuất và sử dụng chế phẩm từ nấm Lecanicillium spp., để diệt rệp muội (Aphidae) gây hại cây trồng”. Do nấm Lecanicillium spp. là chi nấm có khả năng ký sinh từ nhiên trên một số loài rệp và côn trùng. Từ những năm 1960, trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng nấm Lecanicillium spp. để diệt rệp hại cây trồng, một vài sản phẩm đã được thương mại hóa tuy nhiên kết quả đạt được còn nhiều hạn chế. Vì vậy, mục tiêu của nhóm là nghiên cứu sản xuất chế phẩm sinh học từ nấm Lecanicillium SPP. có hiệu lực phòng trừ trên 80% rệp muội gây hại trên cây ngô và rau.

Các kết quả thực tế đạt được qua quá trình nghiên cứu như sau:
- Đã phân lập và sàng lọc được 45 chủng nấm, đã chọn được 02 chủng nấm Le85, L439 có khả năng diệt rệp mạnh trên 80%. Đã giải trình tự 28S rRNA của chủng chọn lọc Le85, L439 có mức độ tương đồng 99% so với trình tự của loài Lecanicillium lecanii. 
- Nhóm nghiên cứu đã tạo ra các dòng đột biến từ chủng chọn lọc Le85 có khả năng diệt rệp mạnh hơn các chủng tự nhiên, các dòng đột biến diệt rệp mạnh hơn (12- 15%) dòng tự nhiên là nguyên liệu quý, tạo tiền để cho các nghiên cứu tiếp theo. 
- Thiết kế thành công 2 quy trình sản xuất bào tử nấm, thu nhận bào tử nấm (độ tinh khiết đạt hơn 90%), quy mô mỗi quy trình sản xuất trên 100kg/mẻ. Quy trình sản xuất bào tử nấm được tối ưu sử dụng gạo luộc làm cơ chất, nhiệt độ lên men 26-20 độ C, tỷ lệ giống 10%, lên men 12 - 14 ngày. 
- Nhóm nghiên cứu cũng thiết kế thành công 02 quy trình sản xuất chế phẩm vi nấm Lecanicillium spp., số lượng bào tử trong chế phẩm là 5 x 1010/g. Chế phẩm gồm bào tử, phụ gia (chất bảo vệ bào tử, chất độn, chất tăng phát tán và loang tỏa bảo tử). Các phụ gia có nguồn gốc rõ ràng, đã và đang được sử dụng phổ biến trong nông nghiệp của các nước có nền công nghiệp tiên tiến. Từ đó, tiến hành sản xuất được trên 6kg chế phẩm bào tử nấm Lecanicillium spp. và các phụ gia. 
- Xây dựng thành công 02 quy trình sử dụng chế phẩm vi nấm diệt rệp hại ngô và hại rau và xây dựng được 02 mô hình diệt rệp hại ngô và hại rau cải. mỗi mô hình >2ha/mô hình. Chế phẩm sinh học chứa nấm Lecanicillium spp có hiệu lực phòng trừ trên 80% rệp muội hại ngô và rau cải. 
- Nhóm nghiên cứu đã đánh giá được hiệu quả của mô hình sử dụng chế phẩm sinh học để diệt rệp hại ngô và hại rau. Đề xuất được “Quy trình sử dụng chế phẩm nấm Lecanicillium spp phòng trừ rệp muội trên rau cải xanh”. Mỗi ha rau cải xanh với tổng chi phí từ 60,308 triệu đồng (mô hình) đến 60,775 triệu đồng (ngoài mô hình), cho lãi là 115,864 triệu đồng (mô hình) và 115,517 triệu đồng (ngoài mô hình), cho lãi đạt 9,453 triệu đồng (mô hình) và 7,788 triệu đồng (ngoài mô hình). 
- Nhóm nghiên cứu đề xuất đưa kết quả nghiên cứu vào dự án sản xuất thử nghiệm để cung cấp chế phẩm nấm Lecanicillium lecanii Le85 và Lecanicillium lecanii. L439 kiểm soát rệp muội hại cây trồng sử dụng đại trà. 

Như vậy, bào tử nấm kí sinh côn trùng của đề tài có khả năng diệt rệp muội trích hút nhựa cây, an toàn thích nghi với mùa vụ gieo trồng rau, hoa mầu ở nước ta. Công nghệ lên men xốp sản xuất bào tử đơn giản, sử dụng nguyên liệu có sẵn, rẻ tiền, trên thiết bị trong nước có thể gia công sản xuất. Hiệu quả kinh tế của việc sử dụng chế phẩm tăng 0,5 triệu đồng / ha đối với rau, 1,66 triệu đồng đối với ngô so với việc dùng thuốc trừ sâu thường. Đồng thời góp phần làm giảm dần lượng thuốc trừ sâu dùng trong nông nghiệp, giảm bớt nguy cơ độc hại từ thuốc hóa học trên sản phẩm rau, quả. 


Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 10888) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: vista.gov.vn

Số lượt đọc: 4590

Về trang trước Về đầu trang