Cấu trúc mới của các hạt nhạy sáng thể rắn này được gọi là các chấm lượng tử dạng keo (colloidal quantum dots), có thể dẫn đến việc tạo ra các loại pin mặt trời có giá thành rẻ hơn, nhẹ hơn và mềm dẻo hơn, cũng như các bộ cảm biến khí, tia laser hồng ngoại, đi-ốt phát quang hồng ngoại tốt hơn và nhiều thiết bị khác. Công trình nghiên cứu này, đứng đầu là Tiến sĩ Zhijun Ning và Giáo sư Ted Sargent, đã được công bố trên tạp chí uy tín Nature Materials.
Khả năng hấp thụ ánh sáng sử dụng các chấm lượng tử dạng keo nhỏ xíu này phụ thuộc vào hai loại chất bán dẫn: loại n, loại giầu electron; và loại p, loại nghèo electron. Khi tiếp xúc với không khí, các vật liệu loại n liên kết với các nguyên tử oxy, lấy các hạt electron của vật liệu, biến vật liệu thành loại p. Tiến sĩ Ning và các đồng nghiệp đã mô hình hóa và chứng minh được một loại vật liệu chấm lượng tử dạng keo loại n mới không liên kết với oxy khi tiếp xúc với không khí. Duy trì trạng thái ổn định của các lớp chất bán dẫn loại n và p một cách đồng nhất không những tăng khả năng hấp thụ ánh sáng mà còn có thể tạo ra các loại thiết bị quang điện tử mới tận dụng được các đặc tính tốt nhất của cả ánh sáng và điện tích. Điều này có nghĩa tạo ra được các thiết bị có khả năng chịu được thời tiết phức tạp, điều khiển từ xa, vệ tinh thông tin nhân tạo, hoặc máy dò chất ô nhiễm.
“Đây là một loại vật liệu mới, bằng vật liệu này chúng tôi có thể xây dựng các cấu trúc thiết bị mới. Iodide gần như là một phối tử hoàn hảo cho các loại pin chấm lượng tử có hiệu suất và độ ổn định không khí cao”. Tiến sĩ Ning cho biết. Loại vật liệu lai ghép loại n và loại p mới này của Ning có hiệu suất chuyển đổi năng lượng mặt trời lên đến 80%, cao nhất trong số các kết quả nghiên cứu đã công bố. Các chấm lượng tử phát điện nhỏ li ti này có thể trộn vào mực và sơn hoặc in lên trên các bề mặt mỏng, mềm dẻo như các tấm lợp mái nhà. Điều này giúp tiết kiệm chi phí một cách đáng kể và có thể giúp hàng triệu người có thể tiếp cận nguồn năng lượng mặt trời một cách dễ dàng.