Phần đông dư luận cho rằng, Nghị định được áp dụng sẽ tạo ra môi trường, điều kiện, động lực mới, giúp những người hoạt động trong lĩnh vực KH&CN phát huy tối đa năng lực, cống hiến nhiều hơn nữa, thúc đẩy nền KH&CN ngày càng phát triển, phục vụ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Cần khẳng định rằng, KH&CN luôn luôn có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Có một số thành tựu nổi bật trong lĩnh vực khoa học - công nghệ đáng được ghi nhận như: Thiết kế chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho nhà máy thủy điện công suất lớn; giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước; công nghệ khai thác dầu trong đá móng; các giống lúa mới năng suất cao; khai thác vệ tinh viễn thông; làm chủ công nghệ đóng tàu, xây dựng công trình ngầm, nhà cao tầng, cầu dây văng, đường cao tốc; ghép tạng và sản xuất vắcxin... Đối với quân đội, các nhà khoa học trong lĩnh vực y khoa đã nghiên cứu thành công nhiều đề tài ghép nội tạng người; công nghệ gien, phôi… nâng vị thế ngành khoa học y khoa nước nhà lên một bước mới. Các nhà khoa học trong lĩnh vực quân sự đã nghiên cứu, chế tạo, nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất được những sản phẩm góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, tiêu biểu như việc đóng các tàu chiến, tàu vận tải, tàu làm nhiệm vụ chuyên môn có tải trọng lớn…
Tuy vậy, theo một số chuyên gia, KH&CN của nước ta mới phát triển theo chiều rộng, chưa sâu, chưa ứng dụng nhiều trong thực tế và chưa tương xứng với yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước. Theo thống kê, năm 2013, cả nước có hơn 62 nghìn người trực tiếp làm công tác nghiên cứu khoa học và hơn 100 nghìn du học sinh, 300 nghìn trí thức ở nước ngoài. Tính đến hết năm 2012, cả nước có 2.202 tổ chức KH&CN đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, mức đầu tư kinh phí cho KH&CN ước chỉ đạt dưới 1% GDP, trong đó ngân sách nhà nước vẫn là nguồn đầu tư chính. Hiện nay, nền KH&CN của Việt Nam còn những “mảng tối” nhất định. Vẫn còn tình trạng đề tài, dự án nghiệm thu xuất sắc nhưng “nằm trong tủ kính”. Tỷ lệ kết quả nghiên cứu trong nước được thương mại hóa và ứng dụng trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh rất thấp. Hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị nghiên cứu ở Việt Nam còn thiếu, lạc hậu. Chúng ta chưa có nhiều công trình, sản phẩm khoa học và công nghệ mang tính đột phá ở tầm khu vực và thế giới. Về chỉ số cạnh tranh toàn cầu, năm 2013, Việt Nam xếp thứ 70/148 quốc gia; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp thứ 76/141 quốc gia.
KH&CN được xem là nhân tố quan trọng quyết định đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, là cơ sở để đưa đất nước phát triển bền vững trong tương lai. Khi Nghị định 40 có hiệu lực sẽ góp phần quan trọng để dần hạn chế những “mảng tối” trong bức tranh của nền KH&CN nước nhà. Để đạt được hiệu quả mong muốn, một trong những vấn đề trọng tâm là cần thúc đẩy nhanh hơn việc đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ, nhất là đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao và có cơ chế đầu tư đặc biệt để triển khai một số dự án KH&CN quy mô lớn. Nhà nước và cơ quan chức năng cũng cần áp dụng chính sách mới, trọng dụng đặc biệt đối với 3 nhóm cán bộ tài năng: Cán bộ đầu ngành, cán bộ chủ trì nhiệm vụ quốc gia đặc biệt quan trọng, cán bộ trẻ tài năng; có chính sách cử người đi làm việc các tổ chức khoa học và công nghệ và doanh nghiệp ở nước ngoài hiệu quả.