Tại buổi báo cáo chuyên đề, ThS. Phạm Tấn Phước đã giới thiệu về kết quả Dự án “Xây dựng mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ theo hướng VietGAP tại xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc” được thực hiện từ năm 2013, đến tháng 5/2016 dự án cho doanh thu gần 1 tỷ đồng/2 ha/5 mô hình. Dự án là kết quả tiếp nối của dự án trồng thử nghiệm cây thanh long ruột đỏ được triển khai tại xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc vào năm 2009 do Hội Nông dân tỉnh BR-VT chủ trì thực hiện. Đến năm 2012, Dự án thử nghiệm đã được Hội đồng khoa học tỉnh tổ chức họp đánh giá nghiệm thu kết quả và đánh giá hiệu quả mang lại rất tốt, có khả năng nhân rộng. Hiệu quả kinh tế từ 400-500 triệu đồng/ha/năm.
Ngoài ra, tại buổi báo cáo chuyên đề, ThS Phạm Tấn Phước đã giới thiệu, hướng dẫn bà con các kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ, cách chuẩn bị đất, hom giống và kỹ thuật xử lý ra hoa. Cây thanh long ruột đỏ là cây nhiệt đới có nguồn gốc ở vùng sa mạc thuộc Mêhicô và Colombia, thanh long ruột đỏ được trồng từ 7-8 tháng thì bắt đầu cho trái bói, cây có khả năng ra hoa tự nhiên rất mạnh và gần như quanh năm nên ít bị rủi ro, nhạy đèn, nhạy thời thời tiết nên ít tốn chi phí chong đèn để xử lý cho hoa trái vụ, hiện tại thanh long ruột đỏ còn được dùng làm rượu, mỹ phẩm, phẩm màu công nghiệp, nước giải khát, chế biến các món ăn,.. Vào mùa nghịch, giá thanh long ruột đỏ cao hơn mùa thuận từ 2-4 lần, giá trung bình trong các năm qua luôn ở mức cao 20-25.000đ/kg, hiệu quả cao hơn các loại cây trồng khác.
Ngoài nội dung báo cáo, bà con nông dân còn trao đổi thông tin, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong quá trình trồng cây thanh long ruột đỏ, những câu hỏi, thắc mắc của bà con nông dân đều được báo cáo viên giải đáp tận tình.